Tháng 2, khi tiết trời lạnh giá của mùa đông dần tan đi, hơi thở ấm áp của mùa xuân tràn ngập đất trời, cũng là lúc hoa ban khoe sắc tô điểm vùng Tây Bắc. Dọc khắp núi rừng, từ những con đường dẫn vào TP.Sơn La hay những lối nhỏ tới những xã, bản, những cây ban đang độ ươm nụ, ươm hoa trông rất đẹp mắt.
Những chùm hoa ban trắng bung nở tinh khôi khoe vẻ đẹp kiều diễm như lời mời gọi du khách tới Tây Bắc chiêm ngưỡng.
Đến với Sơn La trong những ngày này, khắp các triền đồi đều dễ dàng nhìn thấy những rừng hoa ban nở trắng xóa, tạo nên những phong cảnh tuyệt đẹp và nên thơ. Loài hoa này gắn liền với truyền thuyết về sự tích hoa ban, truyền thuyết về người con gái xinh đẹp tên là Ban...
Khác với các loài hoa đẹp và kiêu sa khác, hoa ban gắn liền với truyền thuyết của người Thái, xưa kia núi rừng Tây Bắc sở hữu người con gái tên Ban xinh đẹp nết na hiền dịu với giọng hát làm say đắm lòng người. Trái tim nàng sớm đã dành trọn cho chàng Khum, dù rằng có rất nhiều trai làng theo đuổi. Vì chê Khum nghèo, cha Ban đã ép gả cô cho con trai của 1 gia đình giàu có quanh vùng, vừa gù vừa lười biếng và xấu tính.
Nàng trốn chạy khỏi nhà, tìm đếm với người yêu để kêu cứu nhưng lúc này Khum lại đi xa. Không quản xa xôi cách trở, nàng Ban buộc chiếc khăn piêu của mình vào chân cầu thang để làm dấu rồi vượt đèo vượt suối đi tìm Khum. Nàng đi mãi đi mãi cho đến khi kiệt sức và gục chết tại một con suối. Cứ mỗi độ xuân sang, nơi này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt.
Nhìn những bông hoa ban nhỏ xinh xắn trông giống như những bông tuyết lấp lánh. Hòa trong không khí nắng vàng và gió nhẹ, những bông ban trắng như tô điểm cho bầu trời xanh ngắt.
Dân Mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu thủy chung của tình yêu lứa đôi. Về phần chàng Khum, về đến nhà, nhìn thấy chiếc khăn piêu, hiểu ra sự tình chàng vội vã đi tìm nàng Ban để rồi cũng chết vì kiệt sức. Chàng Khum hóa thành con chim, sống cuộc đời lẻ loi, bay khắp núi rừng với hy vọng tìm ra người yêu. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết.
Truyền thuyết về hoa ban, sự tích về hoa ban là một trong những câu chuyện dân gian đặc sắc của đồng bào Thái Tây Bắc.
Dọc theo QL6 đến TP.Sơn La, không khó để bắt gặp những cây hoa ban khoe sắc giữa tiết trời giá lạnh.
Hoa ban trắng là biểu tượng cho người con gái Thái mộc mạc khăn piêu, áo cóm, biểu tượng cho sự sống trường tồn của tình yêu đôi lứa trong sáng, thủy chung đang nở trắng trời ở Sơn La từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm. Từ lâu hoa ban đã được coi là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc, vẻ đẹp của nó được ví như vẻ đẹp của người con gái vùng cao, giản dị và thuần khiết.
Hoa ban bung nở, cũng là dịp để các giới trẻ xúng xính những bộ áo cóm chụp ảnh làm kỷ niệm giữa núi rừng đại ngàn.
Mùa hoa ban khoe sắc cũng là dịp các nam thanh nữ tú xúng xính áo quần, khăn váy chỉnh tề, gọi nhau í ới và cùng đổ ra đường dẫn đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn bậc sinh thành.
Khác với các loài hoa đẹp và kiêu sa khác, hoa ban gắn liền với truyền thuyết của người Thái kể về tình yêu lứa đôi của 1 đôi “trai tài gái sắc” đem lòng yêu thương nhau.
Với những ai có niềm đam mê trải nghiệm khám phá nét đẹp văn hóa và thiên nhiên vùng cao, hãy chuẩn bị cho mình chuyến hành trình lên Tây Bắc mùa ban nở để chiêm ngưỡng, để cảm nhận vẻ đẹp của loài hoa ban, để ghi lại khoảnh khắc ấn tượng trong cuộc đời.
Theo HÀ HOÀNG (Dân Việt)
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết