Là cây cầu gỗ rất quý hiếm bởi có giá trị nghệ thuật cao nhất trong tất cả các cây cầu cổ ở Việt Nam, cầu ngói Thanh Toàn được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là "Di tích văn hóa cấp quốc gia" năm 1990. Ngày nay, cầu gỗ Thanh Toàn tọa lạc cách trung tâm thành phố Huế 8km, thuộc địa bàn xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. |
Cầu ngói Thanh Toàn có kiến trúc "thượng gia hạ kiều": trên nhà dưới cầu. Ở Việt Nam hiện nay còn chừng 4-5 chiếc cầu tương tự thế, nổi tiếng nhất chính là Chùa Cầu, Hội An. Thế nhưng khác với bên phố Hội ồn ào và xô bồ, cầu ngói Thanh Toàn lại nên thơ và thanh bình hơn nhiều do ít người biết đến. |
Từ bên ngoài nhìn vào có cảm giác cầu như một ngôi nhà do trên cầu có mái che, phủ ngói lưu ly. Được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, ban đầu cây cầu có chiều dài 18,75m, rộng 5,82m. Trải qua dấu ấn tháng năm, lụt lội, chiến tranh... đã được xây dựng, trùng tu lại nhiều lần, kích thước đã bị thu hẹp chiều dài còn 16,85m và rộng là 4,63m. |
Cầu có bảy gian, chính giữa là gian thờ bà Trần Thị Đạo, người đã có công xây dựng cây cầu này. Tương truyền bà là con cháu dòng họ Trần có chồng làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông, để cầu tự bà đã dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng, để việc đi lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân. |
Bảy gian như bảy gian phòng của ngôi nhà, với mỗi gian có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Đây cũng chính là điểm nhấn đặc biệt nhất của cầu ngói Thanh Toàn, là chiếc ghế dừng chân, thậm chí là chiếc phản cho người dân, du khách nằm nghỉ ngơi. |
"Ai về cầu ngói Thanh Toàn / Cho em về với một đoàn cho vui". Cầu ngói Thanh Toàn gắn bó với người dân Thanh Thủy Chánh lâu đến độ đã được phổ thơ, lưu truyền ca dao. Ngày nay, khi giới trẻ địa phương đi xa làm việc, chỉ còn người già ở lại làng, cây cầu ngói càng trở thành một người bạn tri kỷ của thế hệ người già nơi đây. |
Dưới chân cầu là khúc sông nhỏ thuộc nhánh của dòng sông Như Ý, mùa hè là mùa hoa súng nở, kết hợp với khung cảnh nông thôn dân dã, cảnh "thượng gia hạ kiều" tạo thành một bức tranh quê tuyệt đẹp như vẽ. |
Đầu cầu là một khoảng đất rộng trông ra chợ quê của làng Thanh Thủy Chánh, nơi có một ngôi đình lâu năm được che phủ bởi những gốc đa cổ thụ, địa điểm này thường là nơi diễn ra hội làng, các hoạt động cộng đồng cũng như buôn bán, họp chợ. |
Cứ hai năm một lần, cầu ngói Thanh Toàn lại trở thành địa điểm tổ chức lễ hội chợ quê. Chợ quê ngày hội Cầu ngói Thanh Toàn đến nay đã tạo dựng được thương hiệu riêng, không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế, trở thành điểm nhấn không thể bỏ qua khi đến với vùng đất cố đô Huế. |
Theo Hạ Du/Nhân Dân
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết