Trong khi một năm trước đây, sự phục hồi dường như đang đi đúng hướng, thì ngày nay ngành công nghiệp thời trang xa xỉ lại đang phải đối mặt với sự bất ổn buộc nó phải xem xét lại hệ thống và thiết kế lại mạng lưới địa lý của mình. Vấn đề được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh thời trang toàn cầu 2022 tại Milan, được tổ chức trực tuyến vào ngày 25/10 vừa qua.
Theo bà Francesca Diviccaro, người đứng đầu lĩnh vực bán lẻ và cao cấp tại bộ phận ngân hàng đầu tư & doanh nghiệp IMI của ngân hàng Intesa Sanpaolo, cho biết: “Mặc dù Trung Quốc đã dần gỡ bỏ các hạn chế Covid-19 trong những tháng gần đây, đi kèm với các chỉ số tích cực và doanh số bán hàng đạt đỉnh vào tháng 7 và tháng 8, nhưng tôi nghĩ rằng về ngắn hạn, sự trở lại bứt phá của Trung Quốc vẫn còn chưa chắc chắn và sẽ tác động đến dự báo cho năm sau.”
Tuy nhiên, nhà phân tích vẫn coi Trung Quốc là một tiềm năng lớn. "Thị trường thời trang xa xỉ lớn nhất vào năm 2025 sẽ là Trung Quốc, được thúc đẩy bởi sự thịnh vượng của tầng lớp trung lưu, bởi thế hệ trẻ, nhưng cũng bởi sự phục hồi hoặc bắt đầu kinh doanh ở các thành phố hạng hai", bà Diviccaro nói. Một quan điểm cùng được chia sẻ bởi Giám đốc tài chính của Kering, Jean-Marc Duplaix, người đã chia sẻ trong đợt công bố kết quả hàng quý gần đây của tập đoàn rằng, “mặc cho kinh tế suy thoái và các vấn đề liên quan đến Covid-19, Trung Quốc vẫn vô cùng tiềm năng”.
Về phần mình, Giám đốc điều hành Dolce & Gabbana, Alfonso Dolce tin rằng "sẽ mất ít nhất từ sáu đến mười tám tháng để lấy lại sự cân bằng hoàn toàn và nhìn thấy Trung Quốc trở lại, và thậm chí có thể sẽ mạnh mẽ hơn trước."
Bên cạnh đó, viễn cảnh cũng đã thay đổi một chút ở Hoa Kỳ - “điểm sáng mới” của ngành trong hơn một năm qua. Ở đó, doanh số bán hàng thời trang xa xỉ hoạt động tốt trong nửa đầu năm, tăng trưởng nhẹ giữa tháng 7 và tháng 9, người Mỹ hưởng lợi từ đồng USD mạnh. Chiara Rotelli, giám đốc điều hành, nhà phân tích cao cấp về hàng xa xỉ tại Mediobanca, nhận định: “Mặc dù phần lớn nhu cầu đã chuyển sang châu Âu, Bắc Mỹ vẫn là một thị trường mạnh mẽ.”
"Hoa Kỳ vẫn là một thị trường quan trọng để phát triển bán lẻ, đồng thời mang đến cơ hội phát triển về quy mô", bà tiếp tục. Từ New York, nơi các thương hiệu đã có sự hiện diện lâu đời, thì các công ty cũng đang mở rộng chiến lược kinh doanh đến các thành phố khác. Tập đoàn hàng xa xỉ Pháp Kering cũng có một kế hoạch mở cửa lớn ở khu vực này, như Jean-Marc Duplaix đã đề xuất. Theo ông, "rõ ràng, Hoa Kỳ và người Mỹ là ‘đầu tàu’ của lĩnh vực trong những quý gần đây. Đây là một thị trường đã thay đổi đối với ngành công nghiệp xa xỉ, rất hứa hẹn, có tiềm năng mạnh trong dài hạn.“
Ngoài ra, chúng ta đang chứng kiến “sự trở lại vĩ đại” của "Lục địa già". Bà Francesca Diviccaro giải thích: “Về mặt địa lý, với sự trở lại của các dòng khách du lịch và sự phục hồi của tiêu dùng địa phương, châu Âu đã và đang dẫn dắt thị trường thời trang xa xỉ vào năm 2022, trong khi nó từng ở cuối bảng vào năm 2021”.
Ông Jean-Marc Duplaix, giám đốc tài chính của Kering thừa nhận: “Đây là khu vực mà chúng tôi có nhiều câu hỏi nhất về ngắn hạn, xét về tình hình kinh tế và địa chính trị”.
Cùng với ba thị trường chiến lược này (Trung Quốc - Hoa Kỳ - Châu Âu) đối với thế giới xa xỉ, các khu vực khác đang khẳng định tiềm năng hoặc đang nổi lên như những cơ hội thú vị trong tương lai. Bà Francesca Diviccaro nhấn mạnh: “Có những thị trường cần phải được theo sát”. Trong khi đó, giám đốc điều hành của Tập đoàn Zegna, Gildo Zegna, không ngần ngại ca ngợi rằng "Trung Đông chính là Trung Quốc mới".
Với những hạn chế của châu Âu đối với Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột với Ukraine, hầu hết các công ty sản xuất hàng thời trang xa xỉ đều ngừng hoạt động tại lãnh thổ này, mặc dù họ vẫn giữ tài sản của mình ở đó. Mặt khác, các thương hiệu như Sephora và Inditex lại nhanh chóng bán lại các mảng kinh doanh của mình ở Nga. Một số khu vực như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, không áp đặt các lệnh trừng phạt, đã thu hút các tỷ phú Nga và các khoản đầu tư của họ. Các nhà tài phiệt và doanh nhân đã tìm thấy “nơi trú ẩn an toàn” ở Dubai. Ông Alfonso Dolce nhận xét: “Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất không còn là những quốc gia riêng biệt nữa mà họ để tạo thành một hệ sinh thái với nền kinh tế riêng, trong cùng một lãnh thổ rộng lớn”.
Theo bà Francesca Diviccaro, "Thực sự có những thị trường khác mà chúng ta có thể thấy được con đường tăng trưởng thú vị, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và các khu vực Nam Mỹ". Ông Alfonso Dolce cũng đồng ý với nhận định này. "Có những thị trường mới vô cùng hấp dẫn. Ví dụ, ở Brazil, có ít nhất bảy hoặc tám thành phố đại diện cho nền kinh tế mới của đất nước, chẳng hạn như Goiânia, được thúc đẩy bởi sự phát triển bất động sản đáng kể. Những thị trường mới nổi này chính là nơi chứa đầy mong muốn tiêu dùng, với một nhóm khách hàng đang lần đầu tiên hoà vào xu hướng mua hàng theo cảm xúc".
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết