Trước mùa tuyển sinh, nhiều học sinh và phụ huynh lại băn khoăn việc cho con theo học đại học hay học nghề để có tương lai vững vàng. Để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất, thí sinh cần hiểu lợi thế của bản thân mình, sở trường của mình để quyết định. Trong khi đó, dù học đại học hay học nghề, thu nhập cao hay thấp lại phụ thuộc vào kỹ năng làm việc.
Cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, sẽ có những biến động về nguồn nhân lực, có những ngành nghề mới có thể sinh ra và những ngành sẽ mất đi. Để đứng vững trong thị trường lao động luôn thay đổi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh đều cần chuẩn bị thật tốt những kỹ năng cần thiết để có thể linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
Chia sẻ về việc nên học nghề hay học đại học, chuyên gia Ngô Minh Tuấn - người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global nhận định, học nghề thì có tính ứng dụng ngay, dành cho những người muốn sống được bằng nghề ngay. Học nghề sẽ là con đường rất tốt, đi đúng lộ trình là phải có trải nghiệm với nghề rồi sau đó mới lên được nấc đánh giá, tổng hợp và tìm ra quy luật.
Tính riêng ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Bởi lẽ, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế và hội nhập, đặc biệt là trong các ngành nghề công nghệ cao như điện - điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin… Nguồn nhân lực cần thiết phải có những quy chuẩn kỹ thuật về kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn chung quốc tế, chú trọng phương thức đào tạo, hệ thống chứng chỉ quốc tế...
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), hằng năm, nhà trường tuyển sinh từ 1.500-2.000 sinh viên với các ngành nghề mà thị trường và doanh nghiệp đang có nhu cầu. Sinh viên được vừa học vừa nghiên cứu sản xuất để làm ra các sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Đặc biệt, tại HHT, các doanh nghiệp sẽ đầu tư cơ sở, trang thiết bị, đưa các chuyên gia giỏi tham gia với nhà trường từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên… Sau đó, các doanh nghiệp cũng sẽ sử dụng luôn lực lượng lao động này để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước sự đầu tư đào tạo của các trường nghề như hiện nay, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các thí sinh không nên chạy theo các ngành nghề mới, ngành nghề “hot”. Thí sinh nên lựa chọn ngành nghề nào mà bản thân mình có thể đáp ứng tốt nhất, từ đó đặt ra lộ trình và quyết tâm theo đuổi, trau dồi kỹ năng để gặt hái thành công.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết