Luật sư Phan Vũ Tuấn.
Mấy ngày gần đây, dư luận rất quan tâm tới vụ việc phimmoi (phimmoi.net) đã bị Cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố hình sự vụ án để điều tra. Trong đó Văn phòng Luật sư Phan Law là đại diện cho nhóm các chủ thể quyền bao gồm: VSTV (K+), Canal+, BHD cùng cả nhà sản xuất phim điện ảnh quốc tế, để làm việc và cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan công an trong suốt gần 2 năm qua. Có thể nói đây là dấu mốc cực kỳ quan trong trong việc xử lý vi phạm bản quyền phim tại Việt Nam.
Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh đã trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam xung quanh các vấn đề pháp lý với các hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường Internet, khi mà ngành nội dung số đang phát triển bùng nổ.
Thưa Luật sư, ông có thể chia sẻ về các vụ xử lý vi phạm bản quyền trên Internet nổi bật mà Phan Law đã tham gia trong những năm gần đây?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Từ năm 2012, Phan Law là một trong các đơn vị đi đầu trong lĩnh vực xử lý xâm phạm bản quyền, nổi bật nhất là lĩnh vực xử lý xâm phạm bản quyền online. Đơn cử, Phan Law đã và đang tư vấn, xử lý xâm phạm thường xuyên cho Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Truyền hình K+) trong nhiều năm qua.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Xét riêng về kết quả xử lý vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh và các chương trình phát sóng thuộc quyền độc quyền khai thác của K+ trong năm vừa qua Phan Law đã gỡ bỏ được: Đối với tác phẩm điện ảnh, gỡ bỏ gần 4.000 nội dung vi phạm online, ngăn chặn trên 3 triệu lượt xem số lượt xem. Đối với các chương trình phát sóng thể thao độc quyền, gỡ bỏ trên gần 20.000 nội dung vi phạm, ngăn chặn trên 17 triệu lượt xem. Gỡ bỏ trên 30 ứng dụng vi phạm bản quyền ra khỏi các chợ ứng dụng chính thống như Apple Store, Google Play.
Chúng tôi còn hợp tác với 24 Đài PT-TH địa phương trên cả nước ngăn chặn được các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Phan Law tích cực hỗ trợ cơ quan nhà nước đưa ra danh sách đen các website vi phạm nhằm cảnh báo đến người dùng. Và Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thường xuyên cập nhật trên website để cảnh báo.
Đặc biệt, Phan Law đã thành công trong một số vụ việc xử lý vi phạm bản quyền được xem là khó và phức tạp, đơn cử như:
Xử lý FlyTV: Trước đây, trong những năm 2017, ứng dụng FlyTV là một trong các ứng dụng nổi tiếng về việc vi phạm bản quyền chương trình phát sóng các giải đấu thể thao lớn. Phan Law đã tiến hành rà soát, kiểm tra, lập chứng cứ về hành vi vi phạm của đơn vị này, và dưới sự hỗ trợ của Bộ Thông tin Truyền thông đã xử lý thành công đơn vị này.
Xử lý KoviTV: Đây là một trong những trường hợp vi phạm lớn, nghiêm trọng và mang tính quốc tế đầu tiên mà Phan Law xử lý. KoviTV là tên gọi chung của một platform cung cấp dịch vụ thuê bao truyền hình Hàn Quốc cho người Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây là một pháp nhân được thành lập tại Việt Nam và thực hiện hành vi vi phạm có tính chất quốc tế. Phan Law đã xử lý thành công hành vi vi phạm của đơn vị này.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Xử lý “Thedolive.vn”. Đây là một trong những thành công đầu tiên của Phan Law về việc yêu cầu thu hồi tên miền “.vn” đối với hành vi đăng tải nội dung vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Đây cũng là trường hợp đầu tiên thu hồi tên miền “.vn” vì vi phạm bản quyền.
Qua các vụ việc mà Phan Law tham gia xử lý, Luật sư có thể cho biết, hiện nay những thuận lợi và khó khăn trong việc giải quyết vi phạm bản quyền trên môi trường số ở Việt Nam như thế nào?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin, việc giải quyết vi phạm bản quyền ở Việt Nam hiện nay vừa có những thuận lợi vừa có những khó khăn nhất định.
Về mặt thuận lợi: Cơ chế thực thi về bản quyền ngày càng được hoàn thiện. Các chế tài áp dụng xử lý vi phạm bản quyền được điều chỉnh trên cơ sở pháp luật trong nước lẫn các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, phải nhắc tới Điều 18.77 Chương 18 về Sở hữu trí tuệ của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều 18.77 quy định vấn đề thủ tục và hình phạt hình sự các đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả. Trước khi Việt Nam gia nhập CPTPP, chế tài hình sự vốn là chế tài mang tính khắt khe nhất, hiệu quả răn đe cao nhất nhưng cũng là chế tài ít được lựa chọn nhất, một phần nào đó, nguyên nhân bắt nguồn từ cơ chế thực thi chưa được kiện toàn của chính biện pháp pháp lý này.
Mặc dù sự tiến bộ của công nghệ thông tin làm gia tăng tình trạng xâm phạm bản quyền trên môi trường số, các đối tượng xâm phạm ngày càng nghĩ ra nhiều thủ thuật tinh vi nhằm “che mắt” chủ sở hữu quyền và các bên xử lý xâm phạm. Tuy nhiên, công nghệ thông tin phát triển, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số len lỏi vào đời sống tiếp tục sản sinh ra các phần mềm, ứng dụng, biện pháp công nghệ phục vụ cho mục đích bảo vệ nội dung của các chủ thể quyền. Các sản phẩm công nghệ đó trở thành công cụ hỗ trợ cho quá trình xử lý vi phạm bản quyền được thuận lợi hơn. Thế nên nếu chủ sở hữu quyền và đơn vị xử lý xâm phạm bản quyền đồng hành, với cơ sở cùng áp dụng biện pháp công nghệ hiệu quả, thì việc xử lý các đối tượng vi phạm sẽ được thực hiện nhanh chóng.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Về mặt khó khăn: Tuy nói các chế tài xử lý vi phạm bản quyền đang dần có những bước tiến khởi sắc, khởi tố hình sự xâm phạm bản quyền đã được lựa chọn và thành công trên thực tế qua vụ phimmoi nhưng biện pháp này còn chưa phổ biến, thậm chí là còn quá mới mẻ. Thông thường, chế tài hành chính là chế tài phổ biến được lựa chọn song hình thức xử phạt chưa tương xứng với “lợi nhuận” thu được. Vì vậy dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm dù biết luật vẫn cứ thực hiện hành vi vi phạm.
Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học, Internet, viễn thông đã tạo điều kiện cho các đơn vị vi phạm thực hiện hành vi vi phạm một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Do đó, hành vi vi phạm bản quyền khó kiểm soát, dễ tái phạm, cách thức vi phạm đa dạng, nguồn thông tin hướng dẫn vi phạm phong phú và được chia sẻ phổ biến. Đồng thời, do tính chất dễ dàng đăng tải, chia sẻ tài nguyên trên mạng Internet, nội dung vi phạm có thể được gỡ bỏ một thời gian nhưng sau đó ngay lập tức lại xuất hiện.
Ý thức của người dân Việt Nam về tuân thủ pháp luật bản quyền chưa cao vô tình tiếp tay cho các bên vi phạm. Việc thị trường bản quyền lậu còn tiếp diễn e cũng do quy luật dễ hiểu - quy luật cung cầu. Các cá nhân, tổ chức tiếp tục tiêu thụ, ủng hộ các sản phẩm vi phạm bản quyền, các đối tượng vi phạm bản quyền tiếp tục vi phạm, đó cũng là điều dễ hiểu.
Hành vi vi phạm dễ thực hiện, dễ xóa dấu vết. Việc lần theo dấu vết bên vi phạm khá khó khăn đòi hỏi cơ quan chức năng tốn nhiều công sức, thậm chí rất khó để tìm được bên vi phạm. Thiếu hụt nguồn nhân lực, giới hạn cơ sở vật chất trong các cơ quan thực thi bản quyền cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ xử lý vi phạm bản quyền.
Bản thân các chủ thể quyền đôi khi chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, còn có tâm lý ngại va chạm vấn đề thực thi quyền, hoặc không đủ nguồn lực và năng lực để xử lý vi phạm.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Hiện trên thế giới và Việt Nam, các nhà sản xuất nội dung đều công bố đã ứng dụng công cụ, giải pháp công nghệ để chống sao chép (ví dụ DRM) nhưng tại sao nạn vi phạm bản quyền lại vẫn tái diễn. Phải chăng là các công cụ kỹ thuật mà các nhà sản xuất nội dung áp dụng không đủ mạnh để bảo vệ tài sản trên môi trường số?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Để áp dụng được các biện pháp công nghệ như DRM trong việc bảo vệ nội dung, các nhà sản xuất phải chi trả rất nhiều tiền để được sở hữu hoặc chỉ để thuê các công nghệ đó. Do vậy, không phải bất cứ nhà sản xuất nội dung nào cũng có thể áp dụng công nghệ để bảo vệ thành quả sáng tạo của mình.
Bên cạnh rào cản về ngân sách, thì hiệu quả của công nghệ bảo vệ nội dung không thể bảo vệ tối đa cho nhà sản xuất nội dung và chỉ có thể áp dụng trong một thời gian ngắn. Ngay khi công nghệ bảo vệ nội dung được ra đời thì sẽ rất nhanh chóng có nhiều công nghệ khác hỗ trợ đơn vị vi phạm dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ này.
Việt Nam là một trong những nước “có tiếng” về hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường Internet. Lý do đơn giản nhất tạo ra “tên tuổi” này là khả năng công nghệ của các đơn vị vi phạm tại Việt Nam rất giỏi và chuyên nghiệp. Đồng thời, các đơn vị xâm phạm tại Việt Nam chưa bao giờ e ngại các hình thức răn đe và mức phạt, nên thiên hướng đối đầu với Nhà nước và pháp luật cao hơn hẳn các quốc gia khác. Trường hợp bị xử lý hành chính và đổi tên nhiều lần của nhóm “phimmoi” và “xoilac” là các ví dụ rất điển hình.
Một mặt, do rào cản về ngân sách, thời gian và phạm vi bảo vệ nội dung bị hạn chế, khả năng công nghệ thông tin của đơn vị vi phạm tại Việt Nam mang tầm cỡ chuyên nghiệp. Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, các chế tài về sở hữu trí tuệ của Việt Nam mặc dù đã đầy đủ, nhưng mức độ chế tài chưa đủ mạnh để hạn chế các lợi ích bất chính mà hành vi vi phạm bản quyền mang lại. Pháp luật cũng như chưa có quy định cụ thể nào có thể bù đắp được các thiệt hại của các chủ thể quyền thì hành vi vi phạm vẫn rất dễ dàng tái diễn.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Xin cảm ơn Luật sư!
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết