So với quý III/2023 mặc dù xuất khẩu có tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên do đơn hàng giảm sâu trong hai quý đầu năm, nên 9 tháng 2023, xuất khẩu của 4 nhóm hàng lớn, gồm: điện thoại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; hàng dệt may và giày dép đã suy giảm kim ngạch khoảng 16,94 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, giảm nhiều nhất là điện thoại và linh kiện, đây cũng là nhóm hàng nhiều năm đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan 9 tháng/2023, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 38,92 tỷ USD, giảm 13,7%, tương ứng giảm 6,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang các thị trường chủ lực như: Trung Quốc là 10,89 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2022; Mỹ là 6,22 tỷ USD, giảm 38,3% (tương ứng giảm 3,85 tỷ USD); Hàn Quốc là 2,7 tỷ USD, giảm 36,8% (tương ứng giảm 1,57 tỷ USD). Xuất khẩu máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng mang về 34,27 tỷ USD, giảm 3,36 tỷ USD so với cùng kỳ.
Ngoài ra, dệt may và giày dép cũng sụt giảm kim ngạch lớn. Trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 9/2023 là 2,57 tỷ USD, giảm mạnh giảm 25,5% so với tháng trước. Lũy kế trong 9 tháng/2023, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 25,10 tỷ USD, giảm 13,6% (tương ứng giảm 3,94 tỷ USD).
Hầu hết các thị trường lớn đều giảm nhập hàng dệt may Việt Nam, cụ thể 9 tháng/2023, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ 11 tỷ USD, giảm 20,6%; xuất sang EU (27 nước) là 2,9 tỷ USD giảm 13,7%; xuất sang Hàn Quốc là 2,43 tỷ USD, giảm 3,6%. Duy xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản đạt 2,94 tỷ USD, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, trị giá xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 9/2023 là 1,34 tỷ USD, giảm 22,2% so với tháng trước. Lũy kế trong 9 tháng/2023, xuất khẩu giày dép đạt 14,7 tỷ USD, giảm 19,1% (tương ứng giảm 3,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 5,24 tỷ USD, giảm 32,2%; sang EU (27 nước) là 3,52 tỷ USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, xuất khẩu giày dép các loại sang Trung Quốc và ASEAN trong 9 tháng/2023 lại tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể xuất sang Trung Quốc đạt 1,35 tỷ USD, tăng 10,3%; ASEAN đạt 399 triệu USD, tăng 33,8%. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng… là nguyên nhân khiến thương mại yếu đi.
Trong 9 tháng năm 2023, có tới 6 nhóm hàng trị giá xuất khẩu giảm trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Ngoài 4 nhóm hàng kể trên, còn có thủy sản và gỗ - sản phẩm gỗ đều "hụt hơi" tỷ USD. Cụ thể, gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 2,69 tỷ USD; hàng thủy sản giảm 1,87 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng thủy sản trong 9 tháng/2023 sang các thị trường chủ lực như Mỹ là 1,17 tỷ USD, giảm 33,8%; Nhật Bản là 1,1 tỷ USD, giảm 12,9%; Trung Quốc là 1,01 tỷ USD, giảm 15,9%; EU(27 nước) là 714 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn gỗ - sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 5,17 tỷ USD, giảm mạnh 24,1% (tương ứng giảm 1,65 tỷ USD) và chiếm 55% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết