Những thông tin mới đây cho thấy, trong năm 2022 Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng của các tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản. Như trong chuyến làm việc vào trung tuần tháng 1/2022 tại tỉnh Bình Dương, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết Tập đoàn AEON (Nhật Bản) sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở tỉnh này từ việc đánh giá cao môi trường đầu tư và những tiềm năng về mặt thị trường bán lẻ.
Kỳ vọng tăng doanh thu
Còn trong bài phân tích cách đây không lâu của báo Nikkei Asia (Nhật Bản) có trích lời ông Soichi Okazaki, Giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh khu vực Đông Nam Á của AEON, nhấn mạnh Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược ở nước ngoài của tập đoàn này trong năm 2022 và các năm tới.
Những doanh nghiệpNhật Bản với trình độ sản xuất công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động ở Việt Nam. |
Theo đó, công ty con của AEON là Aeon Mall, có kế hoạch tăng từ 6 lên 16 trung tâm mua sắm tại Việt Nam từ nay đến năm 2025, cũng như dự định mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam.
Bán lẻ tiêu dùng cũng là một trong những lĩnh vực chính yếu mà các doanh nghiệp (DN) Nhật muốn tiếp tục rót vốn trong thời gian tới ở Việt Nam như nhận định của ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation.
Ngoài ra, theo ông Masataka, làn sóng các công ty Nhật Bản tiến hành thủ tục đầu tư tại Việt Nam dự báo tăng mạnh, thậm chí có nhiều thương vụ M&A sẵn sàng ký kết trực tuyến (online).
Bên cạnh mảng bán lẻ, việc các nhà đầu tư Nhật tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trong năm 2022 cũng được nhấn mạnh tại buổi họp báo trực tuyến ngày 19/1 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM.
Cụ thể, qua kết quả khảo sát của Jetro về thực trạng của các DN Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài trong năm tài chính 2021, khi được hỏi về định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1 đến 2 năm tới, tại Việt Nam, tỷ lệ DN Nhật trả lời sẽ “Mở rộng” là 55.3% (tăng 8.5 điểm so với năm trước). Đối chiếu với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này cao chỉ sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan, và đứng đầu ASEAN.
Cũng theo khảo sát, với Việt Nam, tỷ lệ DN Nhật trả lời sẽ “thu nhỏ” hoặc “chuyển/rút sang quốc gia (khu vực) thứ ba” là 2.2% (giảm 3.9 điểm so với năm trước). So với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này thấp, chỉ sau Pakistan.
Về lý do mở rộng hoạt động của giới đầu tư Nhật tại Việt Nam, như chia sẻ của ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Jetro tại TP Hồ Chí Minh, các DN Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng vào “Tăng doanh thu tại thị trường nước sở tại”, “Tiềm năng và tăng trưởng cao” và “Tăng doanh thu do mở rộng xuất khẩu”.
Tận dụng những lợi thế, khắc phục mặt hạn chế
Xét về việc mở rộng chức năng sản xuất, các DN Nhật cho biết dù vẫn giữ được thế mạnh là sản xuất các sản phẩm đa năng nhưng đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Như việc sản xuất các trang thiết bị y tế, ông Hirai Shinji cho biết điều này đòi hỏi công nghệ cao, các DN Nhật ở Việt Nam sẽ phải đầu tư các dây chuyền hiện đại đáp ứng các yêu cầu để có thể sản xuất các trang thiết bị chất lượng cao.
“Trong tương lai gần, chúng ta có thể kỳ vọng vào những DN Nhật với trình độ sản xuất công nghệ cao sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhằm sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao”, vị trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hirai Shinji, trước đây cách làm thông thường của các DN Nhật là gia công và xuất khẩu (XK). Việc nhập nguyên liệu từ Nhật để gia công và XK vốn là cách làm phổ biến. Tuy nhiên, thời gian tới nguyên liệu để chế biến sản xuất này sẽ không chỉ nhập từ Nhật mà còn tính đến phương án có thể mua được tại Việt Nam để đưa vào sản xuất và XK.
Riêng về mở rộng chức năng bán hàng, theo đánh giá của các DN Nhật thì Việt Nam duy trì mức trên dưới 50%. Ngoài khía cạnh bán hàng, những nhà đầu tư này còn có sự quan tâm đến việc mở rộng chức năng nghiên cứu và phát triển, logistics.
Hơn thế nữa, khi đánh giá đầu tư, các hạng mục mà các công ty Nhật Bản nhận thấy là điểm lợi thế của Việt Nam so với các nước ASEAN khác là tính thị trường (nhất là tiềm năng tăng trưởng), chính trị xã hội ổn định, chất lượng nhân viên cao…
Tuy vậy, điều mà giới đầu tư Nhật vẫn còn băn khoăn trong môi trường đầu tư của Việt Nam là rủi ro chi phí nhân công tăng vọt (60.2% DN cho biết như vậy, giảm 3.5 điểm so với năm trước).
Mặt khác, sau làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, các DN Nhật cũng than phiền về sự phức tạp trong thủ tục hành chính (53.8%, tăng 7.1 điểm so với năm trước) tiếp tục tăng cao so với năm trước. Không những vậy, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao (43.4%, tăng 4.8 điểm) cũng có khuynh hướng tăng.
Điểm đáng chú ý là các nhà đầu tư Nhật vẫn còn phàn nàn về tính thiếu minh bạch trong vận hành chính sách của chính quyền địa phương, như chính sách công nghiệp, chính sách năng lượng, quy định vốn nước ngoài...
Vì vậy, khi mà các DN Nhật tiếp tục không ngừng mở rộng hoạt động ở Việt Nam, yếu tố mà họ mong đợi là một môi trường đầu tư kinh doanh hoàn thiện hơn - nơi mà DN Nhật Bản coi trọng việc tuân thủ quy định sẽ dễ dàng hoạt động là điều đang được mong đợi trong thời gian tới.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết