Trong thời gian qua, tôi nhiều lần đến khảo sát, nghiên cứu thực tế Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Lần đầu tiên vào năm 2010, sau đó là các năm 2012, 2013. Lần gần đây nhất là vào cuối năm 2023 nhân sự kiện Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên. Từ đó, đề xuất một số giải pháp góp phần để Măng Đen phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, nâng tầm thương hiệu quốc gia và đẳng cấp quốc tế.
Tiến sĩ Phạm S (thứ hai từ trái) cùng lãnh đạo địa phương tại quảng trường trung tâm, phía sau là cây Mai anh đào trồng đầu tiên ở Măng Đen 10 năm tuổi.
10 đặc điểm riêng có của Măng Đen
Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông thành lập theo Nghị quyết 720/NQ-UBTVQH14 ngày 16/7/2019. Măng Đen có những tiềm năng lớn về thiên nhiên và giá trị văn hoá độc đáo, hiếm có. Đây là cơ hội thuận lợi để Măng Đen phát triển, chủ động hội nhập quốc tế. Qua nghiên cứu chúng tôi phát hiện 10 đặc điểm riêng có của Măng Đen:
Nguồn gốc và văn hoá độc đáo về dân tộc gốc Tây Nguyên: Nguồn gốc người Mơ Nâm sống ở địa bàn thị trấn Măng Đen ngày nay vẫn nhiều điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu dân tộc học, có nhiều giả thuyết, song chưa đủ tư liệu chứng minh một cách đầy đủ và khoa học về họ. Các dấu tích và hiện vật khảo cổ về thời kỳ tiền sử vẫn chưa phát hiện; các công trình nghiên cứu về các dân tộc ở Kon Tum và Tây Nguyên chỉ giới thiệu sơ lược, chưa có tính hệ thống, cụ thể về người Mơ Nâm.
Đó là đề tài còn biết bao điều hấp dẫn để các nhà khoa học nghiên cứu về văn hoá trong và ngoài nước; đồng thời khai thác, phát huy giá trị văn hoá độc đáo của người Mơ Nâm để phát triển du lịch xanh, bền vững và công nghiệp văn hoá trong tương lai là cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển bền vững.
Tiến sĩ Phạm S (bên trái) trao đổi thông tin với ông Đặng Quang Hà - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông.
Điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và phát triển du lịch xanh, bền vững: Măng Đen có độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển; là vùng sinh thái có khí hậu ôn đới nên quanh năm mát mẻ, nhiệt độ ôn hoà chỉ giao động trung bình từ 16-22 độ C, biên độ nhiệt trong ngày lớn do đó tạo nên khí trời se se lạnh vào buổi sáng và buổi chiều; lượng mưa khá lớn, trung bình 2.310mm; đây là điều kiện rất lý tưởng để phát triển du lịch xanh và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cảnh quan thiên nhiên kỳ thú tạo sự khác biệt riêng có: Măng Đen nằm ở bình nguyên giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh bao bọc và có độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên. Nhờ khí hậu ôn hòa, Măng Đen có khá nhiều hệ động thực vật sinh sống, tạo nên tính đa dạng sinh học cao. Có ba hồ, bảy núi vì vậy nơi đây được ví như “tiên cảnh” giữa đại ngàn Tây Nguyên và ngỡ ngàng như Đà Lạt thứ hai ở Việt Nam.
Nhiều địa điểm di tích, danh lam thắng cảnh độc đáo, để lại ấn tượng du khách gần xa, như: thác Pa Sỹ, hồ Đắk Ke, tượng đài Đức mẹ Maria, chùa Khánh Lâm…
Rừng thông tự nhiên tầm cỡ quốc gia: Măng Đen sở hữu diện tích rừng thông tự nhiên khá lớn, theo thống kê hiện nay có khoảng 4.200ha. Như vậy Măng Đen là đô thị có diện tích rừng thông tự nhiên lớn thứ hai ở Việt Nam chỉ sau Đà Lạt. Đây là đô thị duy nhất ở Việt Nam có đường giao thông đi vào trung tâm huyện chạy qua rừng thông tự nhiên dày đặc 20km. Trung tâm hành chính huyện có một tượng đài chiến thắng ở giữa công viên được trồng cây cảnh quan tạo mảng xanh rất ấn tượng đối với du khách.
Rừng sim tự nhiên tầm cỡ quốc gia: Măng Đen sở hữu diện tích sim rừng (Rhodomyrtus tomentosa Wight) khoảng 1.000 ha, trong đó tập trung khoảng 400 ha, đứng đầu cả nước. Đây là tiềm năng rất lớn để khai thác chế biến rượu vang nguyên liệu từ thiên nhiên ban tặng và khai thác du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch khám phá thiên nhiên…
Đô thị có số lượng cây Mai anh đào tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế: có thể nói đây là sự tôn tạo cảnh quan rất kỳ diệu đối với Măng Đen, bởi năm 2013 Măng Đen chưa có cây Mai anh đào nào. Nhân chuyến công tác của đoàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng do cố Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến làm trưởng đoàn có ghé thăm Măng Đen và trồng tặng 30 cây Mai anh đào. Sau 10 năm, Măng Đen đã nhân giống và trồng thành công 300.000 cây (gấp 10.000 lần so ban đầu).
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân giống trồng đến năm 2027 đạt 1 triệu cây. Như vậy, Măng Đen là đô thị có số lượng cây Mai anh đào trồng không chỉ nhiều nhất Việt Nam mà còn nhiều nhất trên thế giới.
Hạ tầng giao thông đến trung tâm huyện rất thuận lợi: Thị trấn Măng Đen có quốc lộ 24 đi qua, nằm cách TP Kon Tum khoảng 50km về phía Đông Bắc và cách TP Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía Tây Nam. Trong tương lai sẽ triển khai dự án cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum góp phần rút ngắn thời gian tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Một trong những đô thị chuyển địa hình nhanh và ngắn nhất Việt Nam: Măng Đen nằm cách trung tâm TP Kon Tum 50km, thời gian di chuyển ô tô chỉ khoảng 50 phút, nhưng đã thay đổi độ cao từ khoảng 525m (TP Kon Tum) đến Măng Đen là gần 1.200m. Do đó có sự chênh lệch địa hình bình yên, hoang sơ và mát mẻ, tạo nên sự hưởng thụ không khí trong lành mà du khách không phải di chuyển khoảng thời gian quá dài, tạo ấn tượng khó quên cho du khách khi đến Măng Đen.
Đô thị có mật độ dân số ít nhất cả nước: Đến năm 2022, huyện Kon Plông có dân số hơn 27.000 người, trong đó thị trấn Măng Đen có khoảng 8.000 người, mật độ dân số của huyện là 56 người/km2.
Măng Đen có cảnh quan đô thị rất thanh bình và xã hội an toàn; còn dư địa rất lớn để thu hút các dự án đầu tư phát triển về dự án đô thị và là môi trường cực kỳ thuận lợi để phát triển du lịch xanh, bền vững và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, đa chức năng đa giá trị.
Du khách đến với Măng Đen. Ảnh: Internet.
Cơ chế pháp lý với tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển bền vững đối với đô thị: Cơ chế pháp lý là điều kiện then chốt, quyết định, tạo đột phá cho sự phát triển bền vững đô thị. Quá trình phát triển Măng Đen đã được chủ trương của các cấp có thẩm quyền quyết định, như: Nghị quyết 720/NQ-UBTVQH14 ngày 16/7/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 18/2/2022, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của huyện Kon Plông.
Ngày 20/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó Thủ tướng đồng ý bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không; Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045… Đây là những cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng không chỉ với chính quyền, người dân và doanh nghiệp địa phương mà còn là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến sự phát triển Măng Đen.
4 hạn chế, bất cập
Song song với những tiềm năng, lợi thế, Măng Đen còn có những hạn chế, bất cập. Đó là: Nguồn nhân lực chất lượng cao để quản lý và khai thác hai lĩnh vực lợi thế so sánh, gồm du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế, chưa có những nhà quản lý giỏi, các chuyên gia đầu ngành; tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 88%. Toàn huyện Kon Plông chỉ có 10 trường mầm non; 7 trường tiểu học; 11 trường THCS, 1 trường THPT dân tộc nội trú.
Trung tâm Măng Đen. Ảnh: Internet.
Măng Đen mới được thành lập khoảng 4 năm, do đó hiện nay đang trong quá trình kiến thiết cơ bản để phát triển đô thị, vì vậy thiếu trầm trọng nguồn lực đầu tư phát triển.
Đến nay toàn huyện đã có 77 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên thực tế quá trình triển khai rất chậm, chỉ một số ít dự án về du lịch và nông nghiệp triển khai theo tiến độ; còn lại đa số nhà đầu tư xin gia hạn dự án nhiều lần và có tư tưởng chuyển nhượng dự án, do đó chưa tạo nguồn lực đầu tư toàn xã hội để góp phần tạo sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch xanh, bền vững. Chưa có nhiều khách sạn lớn, do đó chưa đáp ứng yêu cầu các sự kiện văn hoá du lịch cấp tỉnh và cấp quốc gia. Ngoài ra, trong thời gian qua, huyện Kon Plông chưa có chiến lược truyền thông đa phương tiện để quảng bá tiềm năng, cơ hội phát triển Măng Đen tầm quốc gia và quốc tế.
10 giải pháp để Măng Đen “cất cánh”
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và những hạn chế, bất cập; để Măng Đen phát triển bền vững trong xu thế hội nhập toàn cầu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản:
Vẻ đẹp nên thơ của Măng Đen. Ảnh: Internet.
Tăng cường công tác tuyên truyền toàn diện về kinh tế - xã hội: Chú trọng có giải pháp đồng bộ tuyên truyền về tiềm năng lợi thế so sánh về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hoá độc đáo riêng có, các cơ chế chính sách tập trung cho Măng Đen phát triển bền vững. Đặc biệt tuyên truyền giá trị văn hoá, con người Việt Nam nói chung và Măng Đen nói riêng nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao: Có chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực; tiến hành đồng thời đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nhân tài trong và ngoài tỉnh; phát hiện và bồi dưỡng nguồn nhân lực từ cấp học phổ thông để đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương. Chú trọng đào tạo đồng bộ cán bộ công chức quản lý, cán bộ viên chức sự nghiệp, cán bộ các tổ chức chính trị, cán bộ khoa học; đặc biệt đào tạo cán bộ chuyên sâu đối với lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.
Thu hút đầu tư các dự án du lịch: Tăng cường xúc tiến đầu tư du lịch nhiều hơn nữa ở các tỉnh trong nước và các quốc gia trên thế giới; có sự kết nối chia sẻ sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch Măng Đen.
Quảng bá tiềm năng cơ hội lợi thế của Măng Đen có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch: du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, du lịch canh nông, du lịch hội nghị hội thảo; khai thác hợp lý chương trình thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch giải trí, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch thể thao mạo hiểm.
Tỉnh Kon Tum chọn Măng Đen tổ chức Lễ hội Mai anh đào hai năm một lần; bởi Măng Đen là đô thị có số lượng Mai anh đào trồng nhiều nhất quốc gia và quốc tế, thời điểm Mai anh đào ra hoa cũng trùng vào thời điểm khí trời se lạnh rất phù hợp mùa du lịch độc đáo, hiếm có và ấn tượng ở Măng Đen.
Mở rộng không gian phiên chợ đêm cuối tháng và khai thác cảnh quan thiên nhiên hợp lý: Phát huy mô hình chợ phiên vào thứ bảy, chủ nhật tuần cuối của tháng để quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề và giao lưu văn hoá, tạo không gian văn hoá ẩm thực giữa các dân tộc thiểu số với du khách.
Tổ chức không gian cho các khu chức năng du lịch Măng Đen, như: trung tâm du lịch chính mang tính chất trung tâm tập trung hầu hết các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng với quy mô lớn của khu du lịch, điểm du lịch vệ tinh; các khu vực bảo vệ cảnh quan; du lịch lòng hồ mặt nước; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất khai thác hoạt động du lịch, tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có giải pháp đồng bộ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn: Cần tiến hành đồng thời vừa tập trung chỉ đạo sản xuất cho người dân và doanh nghiệp địa phương, vừa thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa, cây ăn quả chất lượng cao; phát triển mạnh cây dược liệu quý song song với nhà máy chế biến, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng; di thực và trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh theo phương pháp hữu tính, hữu cơ và cây Ngọc nữ trắng theo phương pháp vô tính, hữu cơ trong thời gian tới.
Triển khai đồng bộ quy hoạch của Chính phủ: Tổ chức triển khai đồng bộ và quyết liệt Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 của Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 với mục tiêu quy hoạch là cụ thể hóa quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen; quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan nhằm mục tiêu phát triển Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Coi quảng bá thương hiệu là đầu tư tài sản vô hình để tạo đột phá cho sự phát triển bền vững: Tiếp tục phát huy những thành quả du lịch Măng Đen trong thời gian qua; phát huy giá trị nhân văn; tiếp tục quảng bá thương hiệu địa phương - Măng Đen bằng nhiều hình thức; chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao; cần chuyển từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều, du khách từ lưu trú ít sang lưu trú nhiều.
Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về du lịch xanh, bền vững; các chương trình truyền thông giáo dục có thể được tổ chức phong phú đa dạng bằng nhiều hình thức để mỗi người dân Măng Đen là một đại sứ du lịch giới thiệu cho du khách những nét độc đáo riêng có về du lịch xanh và khuyến khích du khách thực hiện các hành động bảo vệ danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá và môi trường thiên nhiên khi tham gia vào các hoạt động du lịch ở Măng Đen trong thời gian tới.
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nhằm thực hiện tối ưu hoá Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị: Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, hình thành tuyến đường bộ tốc độ cao, ngắn nhất, thuận lợi nhất cho các phương tiện giao thông đặc biệt là xe tải và xe khách lớn lưu thông để kết nối tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum.
Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sân bay Măng Đen: Đây là hạ tầng giao thông rất quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, do đó tỉnh Kon Tum cần thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh để khẩn trương thực hiện dự án quan trọng này nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của khu du lịch Măng Đen với quốc gia và quốc tế trong thời gian sớm nhất có thể.
Xác định công nghiệp văn hoá là xu hướng phát triển toàn cầu theo xu thế thời đại: Các cấp chính quyền cần có giải pháp thu hút đầu tư đồng bộ các dự án công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật, thiết kế, điện ảnh và âm nhạc… Đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng sẽ phát triển mạnh trong tương lai mà Măng Đen có rất nhiều tiềm năng lợi thế, song trong thời gian qua chưa được khai thác, còn mang tính hoang sơ và chưa được các nhà đầu tư quan tâm.
Trong những năm tới tỉnh Kon Tum cần chủ động thông qua công tác ngoại giao và xúc tiến đầu tư du lịch chọn Khu du lịch Măng Đen đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế để nâng tầm quảng bá thương hiệu Măng Đen.
Măng Đen được ví là Đà Lạt thứ hai trên cao nguyên. Ảnh: Internet.
Có thể nói Khu du lịch Măng Đen là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch chất lượng cao. Việc bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên không chỉ giúp tạo ra thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sinh thái và thúc đẩy nhận thức về bảo tồn bền vững. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Măng Đen.
Thông qua việc khai thác hợp lý và bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, Măng Đen sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và các nhà đầu tư chiến lược đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương hiện tại và tương lai.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết