Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 7/12, thông tin về một số điểm nổi bật của Luật Viễn thông (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, ngày 24/11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành 94,74%.
Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm: 10 chương, 73 điều, có hiệu lực từ 1/7/2024; quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu (IDC), điện toán đám mây (cloud), dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) có hiệu lực từ 1/1/2025.
Ông Nhã cũng chỉ ra một số điểm mới của Luật Viễn thông (sửa đổi) so với Luật hiện hành:
Về quản lý, phát triển “hạ tầng số”: “Hạ tầng số” lần đầu tiên được đề cập trong văn bản cấp luật (Điều 4). Luật bổ sung điều chỉnh thêm một số cấu phần chính của “hạ tầng số” bao gồm: Trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Dịch vụ IDC/cloud là dịch vụ viễn thông, quản lý theo pháp luật viễn thông và được quản lý theo hướng “quản lý nhẹ”, mở, linh hoạt, hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh.
Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông theo pháp luật viễn thông, theo hướng “quản lý nhẹ” hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng (OTT phải công bố chất lượng, bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân); bảo đảm an toàn, an ninh (OTT phải cung cấp thông tin cho cơ quan Nhà nước khi được yêu cầu).
Về phát triển hạ tầng viễn thông, theo ông Nhã, Luật bổ sung quy định công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên tài sản công; tăng cường sử dụng chung hạ tầng liên ngành như: Chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (giao thông, xây dựng,...) phải thông báo để các doanh nghiệp viễn thông đăng ký sử dụng chung;
Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng,... trong việc thiết kế, xây dựng, bố trí mặt bằng để xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông;
Bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp, Bộ ngành liên quan xử lý hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Về đấu giá kho số viễn thông, ông Nhã cho biết thêm Luật đã quy định rõ ràng để tiến hành triển khai cấp các số viễn thông thông qua đấu giá.
Việc lựa chọn mã, số viễn thông đấu giá sẽ do thị trường quyết định; quy định cụ thể giá khởi điểm cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet đưa ra đấu giá.
Về xử lý “rác viễn thông”, đây là vấn đề xã hội rất quan tâm, Luật bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao; xử lý SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo để tạo hành lang pháp lý làm giảm thiểu các vi phạm pháp luật thông qua sử dụng các dịch vụ viễn thông. Bổ sung hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trả lời câu hỏi, Luật Viễn thông sửa đổi sẽ tạo thuận lợi, có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp? ông Nhã cho hay, Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiếp cận, chia sẻ hạ tầng dễ dàng hơn, minh bạch trong tiếp cận tài nguyên về kho số, cũng như cùng chung cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở hạ tầng trên các tài sản công.
“Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ có điều kiện rõ ràng trong việc phát triển, kinh doanh của mình”, ông Nhã nói.
Với những quy định mới cũng như sửa đổi những bất cập trong Luật từ năm 2009 đến nay, ông Nhã cho biết, Luật Viễn thông được kỳ vọng hoàn thiện được các bất cập trong hơn 12 năm qua. Đồng thời, tạo ra một môi trường kinh doanh mới, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều trải nghiệm mới cho người dùng cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai một số kế hoạch để chuẩn bị đưa Luật Viễn thông sửa đổi vào thực tế cuộc sống như: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức tập huấn, phổ biến Luật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các đối tượng liên quan về Luật.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật, nhằm đảm bảo Luật được thực thi nghiêm túc, đúng quy định.
Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật rộng rãi đến người dân, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của Luật và các quy định của Luật.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết