Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội nghị có nhiều tham luận, kiến nghị các giải pháp của doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào phát triển Đảng, cơ sở Đảng trong doanh nghiệp. Đồng thời nhiều tham luận của các cơ quan thông tấn báo chí về công tác tuyên truyền để tiếp tục đồng hành, lan toả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như các mô hình hay, thiết thực, hiệu quả của công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị _Ảnh: PV
Hội nghị nhằm tuyên truyền làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển Đảng, cơ sở Đảng trong doanh nghiệp, điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, đánh giá thực trạng việc phát triển Đảng, cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ rõ những thành tựu và hạn chế, phân tích nguyên nhân và một số vấn đề đặt ra hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc phát triển Đảng, cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu_Ảnh:PV
Trong bài diễn văn khai mạc, Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế khác xa thời kỳ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, nên cần phải được nghiên cứu, tiếp tục đổi mới. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế để vừa bảo đảm tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường, vừa phát huy đầy đủ, vai trò, chức năng quản lý của Nhà nước và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa là những vấn đề lớn cần quan tâm và giải quyết. Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ năm 1996 đến nay, Đảng ta ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, như Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Tuy nhiên, việc xây dựng tổ chức Đảng, phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp là vấn đề mới và khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí tồn tại không ít mâu thuẫn, xung đột, rào cản chưa được giải quyết thấu đáo, với nhiều ý kiến tranh luận khác nhau cả về lý luận và thực tiễn”.
Đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)_Ảnh:PV
Đồng chí Hoàng Quang Phòng - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI chia sẻ: “Sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, quan điểm và nhận thức về kinh tế tư nhân được chú ý và tạo điều kiện phát triển, điều đó đã khích lệ, thúc đẩy khu vực kinh tế này nói chung, các doanh nghiệp tư nhân nói riêng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần ngày càng quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Qua đó ta thấy, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong DN hiện nay cần được chú ý hơn nữa, có định hướng và chương trình kế hoạch thực hiện, rất cần sự vào cuộc sâu sát hơn của cấp ủy các cấp, đặc biệt là ở những nơi có nhiều DNTN hoạt động”.
Trong mỗi doanh nghiệp nhà nước, tổ chức đảng là hạt nhân chính trị, thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh. Đặc biệt, tổ chức đảng trong DNNN giúp bảo đảm được “tính Đảng” trong thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp; đó là chuẩn mực đạo đức kinh doanh, là tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm xã hội.
AHLĐ, Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gốm đất Việt cho biết: “Đảng bộ Doanh nghiệp tư nhân vững mạnh được nhất thiết HĐQT, Chủ tịch HĐQT phải là Đảng viên có tinh thần yêu quê hương đất nước nồng nàn, tình đồng chí đồng đội sẻ chia vì cộng đồng sâu sắc; có đức tính của “người lãnh đạo người đầy tớ trung thành với giai cấp công nhân”, có chính sách chăm lo vật chất, tinh thần cho những người lao động nói chung, cho đội ngũ cán bộ Đảng viên nói riêng. Bởi rằng: khi và chỉ khi vào Đảng cán bộ Đảng viên được trân trọng, thương yêu, gia đình họ có cuộc sống ấm no, khá giả, hạnh phúc mới yên tâm cống hiến, làm việc hết mình mới có sáng tạo, nảy sinh sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác. Chỉ có thể làm tốt công tác phát triển Đảng, xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh doanh nghiệp của lớp chủ - nhất là chủ doanh nghiệp trẻ hiện nay khởi nghiệp mới thăng hoa phát triển bền vững”.
Với vai trò ngày càng quan trọng, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi thành phần, đặc biệt trong khối doanh nghiệp bao gồm cả khu vực kinh tế tư nhân trở thành yêu cầu cấp thiết, không chỉ bằng đường lối, chủ trương và thể chế thành luật pháp, chính sách, mà bao hàm cả xây dựng tổ chức Đảng và phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Sự lãnh đạo của Đảng sẽ góp phần định hướng tháo gỡ những khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, phân biệt, từ đó quy tụ, khơi dậy khát vọng, giải phóng và huy động những nguồn lực to lớncủacác loại hình kinh tế, để phát triển đất nước; vừa kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những bất cập, hạn chế, tiêu cực, làm lành mạnh hóakinh tế, tổ chức cộng đồng trong khối Doanh nghiệp, trong quỹ đạo chung của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong nền kinh tế thị trường, cùng với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tái cấu trúc nền kinh tế, tính cơ động xã hội của Đảng viên ngày càng cao. Trong khi quy mô lao động khu vực công bị thu hẹp do tinh giản biên chế, cổ phần hóa và thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp nhà nước, cộng thêm di chuyển động nông thôn - đô thị, thì tại các doanh nghiệp đang trở thành lực hút lao động từ các khu vực kinh tế khác, trong đó có một số lượng không nhỏ Đảng viên. Đồng thời, nhu cầu tự thân của cán bộ, công nhân, người lao động tại nhiều doanh nghiệp sau một thời gian phấn đấu cũng mong muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vì vậy, nhu cầu tự thân, quy mô mở rộng, tính cơ động, lưu chuyển Đảng viên giữa các khu vực công với khu vực tư nhân đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ hơn vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp và đổi mới tư duy, cách tiếp cận mới về xây dựng tổ chức Đảng và phát triển Đảng trong khu vực, khối doanh nghiệp quốc dân và doanh nghiệp dân doanh.
PV
Theo Tạp chí điện tử Người Làm Báo.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết