Chuyên mục

RMIT tôn vinh sức mạnh và sự sáng tạo của nữ doanh nhân

Theo một báo cáo năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam là 22%, tương đương với các quốc gia phát triển như: Thụy Điển, Singapore,...

Để thúc đẩy văn hóa bình đẳng giới trong khởi nghiệp kinh doanh và tôn vinh thành tựu của lãnh đạo doanh nghiệp nữ, mới đây vườn ươm khởi nghiệp RMIT Activator đã phối hợp cùng chuyên ngành Khởi nghiệp kinh doanh thuộc Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT tổ chức sự kiện "Empower HERpreneurship".

Sự kiện gồm hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của 10 công ty khởi nghiệp do phụ nữ khởi dựng, cùng phiên thảo luận với các doanh nhân nữ nổi bật.

458-202312031009191.jpg
Diễn giả và đại diện ban tổ chức sự kiện “Empowering HERpreneurship

TS. Justin Xavier - Quản lý cấp cao phụ trách Dự án và Hợp tác quốc tế tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT đánh giá: “Doanh nhân nữ đang ngày càng dẫn dắt tác động xã hội, phát triển bền vững về môi trường và lãnh đạo có đạo đức. Họ đang tạo ra sự khác biệt tích cực trong cộng đồng xung quanh và hơn thế nữa”.

Còn theo TS. Jung Woo Han - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT nhận định: “Đã qua rồi cái thời nữ doanh nhân chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Các công ty khởi nghiệp sáng lập bởi nữ giới đã và đang đạt được những bước tiến đột phá về đổi mới sáng tạo, cũng như mạnh dạn ra mắt những thương hiệu mang tầm vóc quốc tế”.

Nhưng, để đạt được những mốc quan trọng như vậy đòi hỏi nữ doanh nhân cam kết liên tục đổi mới và cực kỳ kiên trì.

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty CP Emmay - một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ nấm, chị Phạm Hồng Vân nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo không xảy ra ngay lập tức mà bắt đầu từ những bước nhỏ.

“Chỉ có 20 công ty trên thế giới có công nghệ sợi nấm mà chúng tôi có. Công nghệ này vốn không phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều năm cống hiến không ngừng nghỉ. Chúng tôi phải mất 1.000 lần thử nghiệm mới đạt được thành công cuối cùng", chị Vân chia sẻ.

458-202312031009192.jpg
Chị Phạm Hồng Vân (thứ hai từ phải) chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân

Năm 2022, chị Vân vào Top 30 toàn cầu trong cuộc thi thử thách công nghệ thực phẩm FoodTech Challenge do chính phủ UAE tổ chức. Khi được hỏi về sự độc đáo của phụ nữ khởi nghiệp, bà nêu bật sự ân cần vốn có ở phụ nữ cũng như khả năng lắng nghe và quan tâm đến người khác.

Còn theo chị Xuân Nguyễn - cựu sinh viên RMIT, đồng sáng lập và Giám đốc vận hành của Công ty sách nói Fonos, một lợi thế khác của phụ nữ là họ chiếm đa số người tiêu dùng trên toàn thế giới.

“Với cách tiếp cận đồng cảm và chu đáo, doanh nhân nữ có thể hiểu rõ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng nữ, một điểm mà nam giới khó có thể nắm bắt được. Điều này giúp phụ nữ có tiềm năng lớn để thành lập doanh nghiệp thành công”

Chị Xuân Nguyễn cho biết

Theo chị Xuân, các nữ doanh nhân tương lai hãy phát huy thế mạnh vốn có của nữ giới. “Tôi từng nghĩ rằng mình cần phải lấn át và mạnh mẽ thì mới có thể hòa nhập khi làm việc với nam giới. Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra đây là hướng tiếp cận sai lầm”, chị Xuân chia sẻ và cho biết thêm, rằng mình học cách thành thật với chính mình, tìm sự cân bằng và nhận ra những lợi thế độc đáo mà tôi, với tư cách là một phụ nữ, có thể mang lại.

458-202312031009193.jpg
Sinh viên RMIT tham dự sự kiện “Empowering HERpreneurship”

Các diễn giả cho rằng, doanh nhân nữ phải đối mặt với thách thức kép - họ không chỉ phải thuyết phục người khác về năng lực kinh doanh của mình mà còn phải tin vào chính mình. Để vượt qua trở ngại này, các diễn giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tự mình nhận ra những rào cản đến từ bên trong và nâng cao tự tin thông qua việc không ngừng học tập và trau dồi kiến thức.

Chị Xuân chia sẻ về hành trình lên ý tưởng xây dựng chuỗi cửa hàng bánh mì đầu tiên của mình với tham vọng tạo ra một doanh nghiệp có quy mô tương đương với KFC.

“Khi đó tôi biết cách làm ra một sản phẩm tốt nhưng lại không biết cách xây dựng và điều hành một doanh nghiệp, như cách đọc báo cáo tài chính, xây dựng trang web, quản lý logistics…”, chị Xuân nói và chia sẻ thêm rằng, sau này nhờ các môn học về khởi nghiệp tại RMIT, chị được trang bị kỹ năng và tư duy để xây dựng và phát triển doanh nghiệp thành công.

TS. Jung Woo Han bổ sung: “60% sinh viên theo học ngành Khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT Việt Nam là nữ giới. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ phụ nữ sáng lập và làm chủ doanh nghiệp tại Việt Nam (22%). Tôi hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nữ doanh nhân tại Việt Nam và trong khu vực”.

Độc giả quan tâm đến các chương trình đào tạo về kinh doanh, gồm chuyên ngành Khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT, vui lòng truy cập tại đây.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Sài Gòn.



Bình luận - Thảo luận