Trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng
Dự thảo Luật Thẩm định chuỗi cung ứng EU đang được châu Âu xem xét thông qua để áp dụng từ năm 2026, đặt ra những yêu cầu đối với các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thẩm định về nhân quyền và môi trường đối với chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro về nhân quyền hoặc môi trường, hoặc chấm dứt việc vi phạm các nghĩa vụ về quyền con người hoặc môi trường.
Luật Thẩm định chuỗi cung ứng đang được xem xét, trong khi đó, một số nước đã có luật riêng hay những quy định cụ thể trong từng lĩnh vực. Hiện nay một số quốc gia đã có đạo luật riêng về thẩm định chuỗi cung ứng như Đức, Nauy, Pháp; hoặc như một số quốc gia có đạo luật riêng cho từng nội dung như Mỹ, Australia, Canada... Theo các chuyên gia, các quy định về nghĩa vụ thẩm định được đưa ra dù có thách thức, khó khăn đến đâu thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nỗ lực đáp ứng và coi đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện mình để ngày một phát triển hơn.
Tại thời điểm đầu tháng 6/2023, châu Âu đang có dự thảo chỉ thị về vấn đề này. Từ tháng 2/2022, Ủy ban châu Âu thông qua đề xuất chỉ thị về thẩm định chuỗi cung ứng. Ngày 01/6/2023, Nghị viện EU thông qua đề xuất Chỉ thị với 366 phiếu thuận, 225 phiếu chống và 38 phiếu trắng. Hiện Dự thảo chỉ thị tiếp tục được thảo luận, đàm phán giữa Nghị viện EU với Hội đồng EU và các quốc gia thành viên trước khi được chính thức thông qua. Nếu dự thảo được thông qua và có hiệu lực thì từ năm 2026 có thể được áp dụng.
Ngày 20/6/2023, Diễn đàn Công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2023 về “Sản xuất và phát triển bền vững cùng tự động hóa và trí tuện nhân tạo (AI)” diễn ra tại Hà Nội, bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật Thẩm định chuỗi cung ứng được các nước xem xét và ban hành với mục tiêu cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm như tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc đúng mức…
Vấn đề trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu hoặc cung cấp nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý các thuật ngữ cũng như các chứng chỉ liên quan đến các hoạt động trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, các quyền của người lao động, việc làm thỏa đáng hay các vấn đề liên quan đến môi trường… Những yêu cầu này cho thấy các doanh nghiệp phải thể hiện được trách nhiệm của mình đảm bảo các quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng không dừng lại ở việc tuân thủ và thực hiện trong phạm vi doanh nghiệp. Trên thực tế, không phải bây giờ Việt Nam mới thực hiện kinh doanh có trách nhiệm mà câu chuyện này ở Việt Nam đã được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và bắt đầu làm từ cách đây 20 năm.
Việc thẩm định chuỗi cung ứng được thực hiện khác ở chỗ nó sẽ bao hàm tất cả nội dung liên quan đến lao động, xã hội và môi trường mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Tất cả các quy định này được xuất phát trên cơ sở nền là những hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh phải có trách nhiệm được ban hành năm 2011. Hiện nay, Việt Nam là một trong bẩy nước ở châu Á đang tiến hành thực hiện các nguyên tắc này. Chính phủ giao Bộ Tư pháp chỉ trì thực hiện xây dựng Đề án về kinh doanh và trách nhiệm, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong kinh doanh tại Việt Nam.
Hướng dẫn của Liên hợp quốc tập trung nhiều vào việc bảo vệ quyền con người trong lao động cũng như tôn trọng quyền của con người và việc khắc phục hậu quả nếu như có những vi phạm xảy ra. Liên quan đến trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động trong doanh nghiệp. Trong hướng dẫn năm 2018 của của OECD về thẩm định hành vi kinh doanh có trách nhiệm, có phần hướng dẫn nêu cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp là phải rà soát toàn bộ những rủi ro có thể xảy ra trong các vấn đề liên quan đến lao động và môi trường qua đó có biện pháp khắc phục hậu quả và đặc biệt phải có sự theo dõi, phòng ngừa.
Trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng không dừng lại ở việc doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện trong phạm vi doanh nghiệp của mình mà phải có mối liên hệ, liên kết với các nhà cung ứng và những đối tác có liên quan. Khách hàng nước ngoài tới Việt Nam làm việc, ngoài việc xem doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ra sao thì họ cũng tìm hiểu doanh nghiệp đối xử với người lao động như thế nào. Những chính sách của doanh nghiệp dành cho người lao động như thế nào. Đồng thời xem xét việc tuân thủ quy định về lĩnh vực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mà họ muốn hợp tác.
Như vậy, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp tự thẩm định mình mà còn quan tâm đến cả những đồi tác, doanh nghiệp liên quan trong chuỗi cung ứng. Việc thẩm định trong chuỗi cung ứng nó không phải là cái gì mới mà thực chất đã là tất cả những cái mà doanh nghiệp đã làm và đang làm. Tuy nhiên những nội dung quy định trước đây là những quy định được định hướng để các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện nhưng đến nay những quy định đó trở thành những quy định bắt buộc mà một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã đưa vào luật để áp dụng. Nếu dự thảo luật này được châu Âu thông qua cũng như luật của Đức đã có hiệu lực thì việc tuân thủ các quy định này là bắt buộc thực hiện đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khi vào thị trường EU.
Việc thực hiện thẩm định trách nhiệm trong chuỗi cung ứng được nhấn mạnh về việc tuân thủ cũng như việc quản lý tuân thủ để cải tiến và kiểm soát được các hành vi vi phạm trong chuối. Bên cạnh đó, việc thực hiện không được làm phát sinh thêm những đánh giá hay chứng nhận gì cho doanh nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm được rất tốt về việc tuân thủ các điều kiện, quy định không chỉ là các quy định của pháp luật Việt Nam mà cả các yêu cầu khắt khe của các nhãn hàng theo yêu cầu của đối tác, khách hàng.
Đặc biệt là các quy định về lao động và về môi trường. Trong đó, tất cả các quy định, quy chuẩn về lao động đảm bảo về việc làm, quyền tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp của người lao động cũng như nhưng việc liên quan đến đảm bảo tiêu chuẩn về tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, không có lao động cưỡng bức, không có lao động trẻ em, tiêu chuẩn ann toàn vệ sinh lao động… là những tiêu chuẩn cơ bản được qui định phải thực hiện.
Thầm định trong chuỗi cung ứng rộng hơn là trong phạm vi của doanh nghiệp. Việc thẩm định liên quan đến người lao động không chỉ đánh giá cách đối xử của doanh nghiệp với người lao động tại doanh nghiệp mà còn đánh giá các đối tác của doanh nghiệp, những nhà cung ứng của doanh nghiệp đối xử với người lao động của họ như thế nào cũng như các vấn đề môi trường ở doanh nghiệp, đối tác đó.
Cơ hội hay thách thức
Thẩm định là quy trình mà các doanh nghiệp cần thực hiện để nhận diện, ngăn ngừa, giảm thiểu và giải trình về những phương thức được áp dụng để giải quyết các tác động bất lợi thực tế và tiềm ẩn trong hoạt động của doanh nghiệp, trong các chuỗi cung ứng và mối quan hệ kinh doanh của mình. Đánh giá về khó khăn, thách thức trong việc tuân thủ các quy định về thẩm định chuỗi cung ứng, bà Liên cho rằng, các doanh nghiệp chưa có đầy đủ thông tin liên quan về thẩm định chuỗi cung ứng. Đa phần các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn lực hạn chế. Trước đây, khi thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, doanh nghiệp đã phải bỏ ra nguồn đầu tư tương đối lớn. Với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia có tiềm lực mạnh nhưng vẫn đối diện với khó khăn. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam hạn chế về nguồn lực nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định như các khác.
|
Mặc dù có những thách thức, khó khăn như vậy nhưng các DN cũng nên coi việc ban hành quy định thẩm định chuỗi cung ứng là cơ hội, giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện và phát triển hơn. Tại diễn đàn bà Liên chia sẻ: các doanh nghiệp của Đức chịu ảnh hưởng của luật này phải có trách nhiệm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chuỗi thực hiện các quy định. Các doanh nghiệp đầu chuỗi có thể hỗ trợ bằng việc tập huấn, đào tạo về xử lý rủi ro bằng nguồn kinh phí hoặc ngân sách nhất định giúp các DN trong chuỗi xử lý rủi ro. Khi thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nâng cao.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, tuân thủ tốt những trách nhiệm quy định cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng không chỉ nâng cao năng lực của doanh nghiệp mà còn tạo được môi trường làm việc an toàn, người lao động được đối xử tốt doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Khi người lao động được giải phóng sức lao động về tinh thần và thể chất thì năng suất lao động mới tăng lên. Đây là lợi thế lâu dài, là thành quả của doanh nghiệp khi thực hiện các tiêu chuẩn mang tầm quốc tế.
Ông Nguyễn Hoàng Hà - Cán bộ chương trình cấp cao của Tổ chức Lao động Quốc tế nhìn nhận, một trong những thách thức phổ biến thường gặp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là khó tiếp cận nguồn vốn, khó thuyết phục các ngân hàng, tổ chức tín dụng, thiếu sự bảo lãnh của Nhà nước để có thể tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp nhóm này khó tiếp cận chuỗi cung ứng do hạn chế về công nghệ, nhân lực và năng suất lao động nên khó có thể cạnh tranh. Với những đặc thù này, cần sự chung tay hỗ trợ của nhiều bên để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thuận lợi, chủ động và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
PV.
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 6/2023
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết