Cùng tham gia đoàn công tác còn có đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Đồng chí Vũ Hồng Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đại diện Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Pháp luật, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tài chính - Ngân sách Quốc hội và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), tham gia Đoàn công tác có đồng chí Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn; đồng chí Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc PTSC.
Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường báo cáo hoạt động của mỏ Thăng Long - Đông Đô và kho nổi FPSO Lam Sơn
Mỏ Thăng Long - Đông Đô (TL-DD) thuộc Dự án Thăm dò - khai thác dầu khí Lô 01/97&02/97 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Từ ngày 1/7/2017, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được Petrovietnam giao điều hành cụm mỏ TL-DD thông qua hợp đồng tạm thời thuê điều hành hoạt động dầu khí tại Lô 01/97&02/97. Trong 5 năm qua, mỏ TL-DD được vận hành tuyệt đối an toàn, không xảy ra sự cố và tai nạn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Hệ thống thiết bị khai thác được bảo dưỡng định kỳ và hoạt động an toàn với thời gian khai thác liên tục đạt 99%. Trong điều kiện ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 kéo dài, quá trình vận hành khai thác vẫn được diễn ra an toàn, liên tục và hiệu quả. Tính từ 1/7/2017 đến hết 31/5/2022, sản lượng khai thác dầu cộng dồn mỏ TL-DD đạt khoảng 8,1 triệu thùng, bằng 109% kế hoạch được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tặng quà, thăm hỏi, động viên tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động làm việc trên tàu FPSO Lam Sơn và giàn khai thác Thăng Long - Đông Đô
Kho nổi, xử lý, chứa, và xuất dầu (FPSO) Lam Sơn là dự án hoán cải, nâng cấp và đóng mới với quy mô rất lớn, lần đầu tiên nhà thầu trong nước PTSC tự đứng ra thực hiện tất cả các khâu, từ thu xếp vốn dự án, thiết kế, mua sắm, chế tạo, chạy thử, vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi, đến vận hành, bảo dưỡng trong suốt thời gian hợp đồng cho thuê tàu. FPSO Lam Sơn được thiết kế có sức chứa tối thiểu 350.000 thùng dầu, khả năng xử lý 18.000 thùng/ngày và làm việc liên tục tại mỏ Thăng Long - Đông Đô từ tháng 7/2017 đến nay.
Đoàn công tác được nghe các kỹ sư làm việc trên giàn giới thiệu tổng quan về hoạt động khai thác dầu tại cụm mỏ Thăng Long - Đông Đô
Góp phần vào sự thành công chung của mỏ TL-DD và FPSO Lam Sơn là sự cống hiến và làm việc hết mình của đội ngũ kỹ sư nhân sự của PTSC đã trực tiếp tham gia vào dự án, không xảy ra bất kỳ sự cố kỹ thuật nào. Đặc biệt, trong năm 2021, giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận hành sản xuất của vùng mỏ. Trước những khó khăn phải đối mặt, Ban lãnh đạo PTSC đã luôn sát cánh cùng khối sản xuất để chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tuyệt đối tuân thủ các quy định về kiểm soát và phòng chống dịch. Nhờ vậy, dự án Lô 01/97 và 02/97 luôn được đảm bảo vận hành liên tục, an toàn, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể người lao động PTSC trong công tác vận hành các giàn khai thác mỏ TL-DD và FPSO Lam Sơn. Tập thể thuyền viên tàu FPSO PTSC Lam Sơn đã bảo quản tàu trong tình trạng tốt, đồng thời vận dụng nhiều sáng kiến khoa học, áp dụng các công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả khai thác mỏ. Với thành công trong dự án này, PTSC đã khẳng định năng lực, uy tín và sự trưởng thành trong lĩnh vực đầu tư, thi công, khai thác, vận hành và bảo dưỡng FPSO/FSO - một trong 6 lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng người lao động Dầu khí làm việc trên giàn khai thác Đông Đô
Cùng trong khuôn khổ chương trình, đoàn đã đến thăm khu Căn cứ cảng Dầu khí PTSC tại TP Vũng Tàu. Tại đây, đoàn được Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường giới thiệu tổng quan về cơ sở vật chất hạ tầng cảng, nguồn nhân lực, cũng như khả năng tổng thầu EPCI tư vấn, thiết kế – mua sắm thiết bị – xây dựng, lắp đặt trên biển) của PTSC.
Một số dự án nổi bật mà PTSC đã hoàn thành trong những năm gần đây, có thể đến như: Dự án Sư Tử Trắng Fullfield Giai đoạn 1 cho Chủ đầu tư Cửu Long JOC; Dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt cho Chủ đầu tư Idemitsu Kosan tại vùng biển Việt Nam; và Dự án Gallaf Batch 1 cho Chủ đầu tư North Oil Company tại Qatar. Các dự án này đều được PTSC thi công trong bối cảnh cực kỳ khó khăn khi ngành dầu khí thế giới phải trải qua cơn khủng hoảng kép của đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu, được các khách hàng đặc biệt đánh giá cao.
Sau chuyến thăm thực địa, vào chiều cùng ngày (8/7), đoàn công tác Quốc hội đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tại Khách sạn Dầu khí Vũng Tàu.
PV.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết