Chương trình do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức, giao cho Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng Cục Quản lý thị trường), các hiệp hội, ngành hàng trên cả nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các thương nhân, tổ chức và cá nhân liên quan, các cơ quan và đơn vị truyền thông cùng phát động, thực hiện.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Lễ phát động
Với mục đích đã đề ra ngay từ khi khởi xướng xây dựng và thực hiện của Tháng khuyến mại tập trung quốc gia hàng năm, Chương trình năm 2022 sẽ tiếp tục mở ra một “mùa đặc biệt” trong năm 2022 để tất cả các thương nhân (doanh nghiệp) thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam (không cần thông qua bất kỳ khâu lựa chọn, xét chọn nào của các cơ quan nhà nước để được tham gia Chương trình) có cơ hội thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến mại với mức khuyến mại tối đa (mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại) không còn bị giới hạn 50% mà thay vào đó có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn và điều kiện của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp theo đó sẽ chủ động xây dựng chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp. Với hiệu ứng kết nối cung cầu được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp trên cả nước thông qua hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp để triển khai hoạt động khuyến mại kết hợp với hoạt động hội chợ, triển lãm, các sự kiện… tại địa phương để không những thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu
Đồng hành với cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng/khách hàng trên cả nước trong Chương trình sẽ là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và người dân trong việc quảng bá, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát… hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Sau 02 năm liên tiếp triển khai, mặc dù được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nhưng Tháng khuyến mại tập trung quốc gia đã cho thấy được những kết quả khả quan, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cả nước. Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 đã thu hút được hơn 27.450 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia có sự tham gia của hơn 56.410 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 458,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Những kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công các nhiệm vụ của Bộ Công Thương được Chính phủ giao tại các Nghị quyết của Chính Phủ về kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong những năm trước, đồng thời với những hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kích cầu, phát triển và đẩy mạnh các liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa được Bộ Công Thương triển khai trong thời gian vừa qua, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022 được kỳ vọng sẽ là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã đề ra, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm. Kết quả của Chương trình mang lại sẽ góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục tạo thêm cơ sở thực tiễn và lý luận để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia Chương trình.
Nguyễn Hằng
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết