Theo một báo cáo của Oxfam - liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại trên 90 quốc gia trên thế giới với mục tiêu đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng, tổng tài sản của 5 người giàu nhất thế giới đã tăng hơn gấp đôi lên 869 tỷ USD kể từ năm 2020 đến 2023, trong khi đó trên thế giới lại có thêm 5 tỷ người trở nên nghèo hơn.
Báo cáo mới nhất được đưa ra khi các tên tuổi lớn của ngành kinh doanh đang tụ tập trong tuần này để tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thuỵ Sĩ).
Khối tài sản khổng lồ (được điều chỉnh theo lạm phát) của 5 tỷ phú hàng đầu thế giới như CEO Tesla Elon Musk, giám đốc LVMH Bernard Arnault, Jeff Bezos của Amazon, đồng sáng lập Oracle Larry Ellison và nhà đầu tư Warren Buffett, vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Thậm chí, có một tỷ phú hiện đang điều hành hoặc là cổ đông chính của 7 trên 10 công ty lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, gần 800 triệu công nhân chứng kiến mức lương của họ trong hai năm qua không theo kịp lạm phát, dẫn đến trung bình mỗi công nhân mất 25 ngày thu nhập hàng năm, theo phân tích của Oxfam.
Nghiên cứu cho thấy trong số 1.600 tập đoàn lớn nhất thế giới, chỉ 0,4% trong số đó công khai cam kết trả lương đủ sống cho người lao động và hỗ trợ mức lương đủ sống trong chuỗi giá trị của họ.
Báo cáo của Oxfam kêu gọi các chính phủ chủ động tìm cách kiềm chế quyền lực doanh nghiệp (corporate power) bằng cách hạn chế tính độc quyền; đánh thuế vào lợi nhuận và tài sản của các tỷ phú, đồng thời khuyến khích các lựa chọn thay thế cho quyền kiểm soát của cổ đông bằng một số hình thức sở hữu của nhân viên…
Ước tính, 148 tập đoàn hàng đầu đã kiếm được 1,8 nghìn tỷ USD lợi nhuận trong năm qua, tăng 52% so với mức trung bình trong 3 năm, từ đó mang lại những khoản lợi lớn cho cổ đông ngay cả khi hàng triệu công nhân phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát dẫn đến việc cắt giảm lương theo giá trị thực.
Giám đốc điều hành của Oxfam International, Amitabh Behar, cho biết: “Sự bất bình đẳng này không phải ngẫu nhiên; tầng lớp tỷ phú đang đảm bảo rằng các tập đoàn mang lại nhiều tài sản hơn cho họ trong khi những người khác phải chịu thiệt thòi”.
Mặc dù các sự kiện ở Davos được phát động nhằm ủng hộ tiêu chí kinh doanh không chỉ để tối đa hóa lợi nhuận mà còn đáp ứng khát vọng của con người và xã hội, nhưng Oxfam lưu ý rằng báo cáo của họ, dựa trên các nguồn dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đến danh sách người giàu hàng năm của Forbes, cho thấy những nguyện vọng như vậy còn lâu mới được thực hiện.
Max Lawson, Trưởng bộ phận Chính sách Bất bình đẳng của tổ chức, nhấn mạnh: “Điều chúng tôi biết chắc chắn là hệ thống chủ nghĩa tư bản cổ đông cực đoan ngày nay, vốn đặt lợi nhuận cho các cổ đông giàu có lên trên tất cả các mục tiêu khác, đang gây ra sự bất bình đẳng”.
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết