Trước khi bước sang năm mới là lúc mà mọi người sẽ cùng nhau trang trí nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn ngon, trở về bên gia đình, thăm hỏi người thân và bạn bè,...
Dù phong tục, nghi thức chào đón năm mới khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích là xua tan muộn phiền của năm cũ, cầu mong một năm tiếp theo bình an và hạnh phúc.
Khi đón năm mới tại Tây Ban Nha, vào thời khắc nửa đêm, mọi người sẽ ăn đúng 12 quả nho "may mắn" đại diện cho 12 điều ước, đây là một truyền thống được tôn vinh và duy trì bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Những người trồng nho ở khu vực Alicante đã nghĩ ra truyền thống này như một cách để bán được nhiều nho hơn vào cuối năm, nhưng cách thức chào đón năm mới ngọt ngào này đã nhanh chóng được ưa chuộng và lan rộng.
Từ năm 1800, tầng lớp thượng lưu ở Marid ăn nho và uống sâm panh vào ngày cuối cùng của năm giống người Pháp. Còn những người khác, họ tới đường Puerta del Sol để ăn nho và nghe tiếng chuông ngân trước thềm năm mới.
Gần 80% “nho may mắn” được trồng ở thung lũng Vinalopó bên bờ biển Mediterranean. Đó chính là nho Aledo màu xanh nhạt rất nhiều thịt, thơm ngọt.
Từng chùm nho đang chín được gói trong những bao giấy từ khoảng tháng 6, tháng 7 cho tới khi chín. Phương pháp này được sử dụng từ cuối thế kỷ 19, không những bảo vệ chúng khỏi bệnh dịch do loài bướm đêm gây ra mà còn giúp lưu giữ mùi vị, hương thơm, màu sắc. Hơn nữa, việc này còn tạo thành một lớp vỏ mịn hơn so với loại nho được trồng bình thường rất nhiều, vì chúng không phải chịu ảnh hưởng của gió, mưa cũng như ánh nắng mặt trời. Lớp vỏ mịn đó sẽ giúp mọi người ăn nhanh và ít phải nhai hơn.
Đặc biệt khi từng hồi chuông cứ nối tiếp nhau một cách vội vã thì lớp vỏ mịn này cũng tạo nên một sự khác biệt rõ rệt. Ăn thật nhanh 12 quả mà mỗi quả có 3 hay 4 hạt thật không dễ, vì vậy người bán bày rất nhiều hộp nhỏ với 12 quả nho đã bóc vỏ và bỏ hột sẵn. Tuy nhiên cách đơn giản nhất để ăn hết 12 quả nhanh chóng là đừng nhai, chỉ cắn rồi nuốt cả vỏ lẫn hột.
Người dân Chilê đón năm mới với những phong tục như cho chiếc nhẫn vàng vào trong chai rượu sâm panh để uống hay ăn một thìa đậu lăng vào lúc giao thừa, để tiền vào giầy... với hy vọng của cải, tiền bạc dồi dào trong năm mới.
Ngoài ra, mọi người tại đây còn có phong tục ăn 12 quả nho trùng với 12 tiếng chuông điểm lúc giao thừa. Tượng trưng cho 12 tháng trong năm, quả nho ngọt đồng nghĩa với một tháng tốt lành, còn quả nho chua có nghĩa là tháng đó không tốt.
Một số vùng ở Chilê có phong tục đốt những cây nến nhiều màu sắc trong đêm giao thừa. Mỗi màu sắc có mang một ý nghĩa riêng: màu xanh dương tượng trưng cho hòa bình, màu vàng mang lại sự giàu có, màu đỏ thể hiện sự đam mê, màu xanh lá cây mang đến sức khỏe… Tất nhiên mọi người sẽ kiêng màu đen vì nó tượng trưng cho sự đen tối.
Giống như một số nước Nam Mỹ khác, người dân Chilê cũng có phong tục mặc nội y màu vàng vào đêm giao thừa với niềm tin sẽ có một năm mới hạnh phúc và sung túc.
Tại thành phố Talca, một thị trấn nhỏ ở đất nước này có một phong tục rất đặc biệt: Đón năm mới cùng với những người thân đã khuất. Cánh cửa của nghĩa trang sẽ được mở vào lúc 23 giờ của đêm giao thừa. Lúc đó, mọi người mang theo đèn cùng nến để tạo nên một bầu không khí ấm cúng ở nghĩa trang.
Người dân nơi đây tin rằng, người đã khuất muốn đón năm mới cùng những người thân yêu trong gia đình. Tục lệ này bắt đầu từ khi một gia đình ở địa phương tổ chức đón năm mới ngay cạnh ngôi mộ của người thân họ.
Cũng như các nước châu Âu khác, người Đan Mạch coi năm mới là một trong những ngày quan trọng nhất năm. Vào dịp này, mọi người tổ chức rất nhiều lễ hội nhằm quảng bá văn hóa truyền thống của đất nước cũng như lưu truyền các phong tục cho thế hệ sau.
Khi thời khắc giao thừa đến, tất cả các nơi trên bầu trời đều tràn đầy ánh sáng của pháo hoa, đây là một hoạt động không thể thiếu tại Đan Mạch. Ngoài các địa điểm bắn pháo hoa do nhà nước tổ chức, hầu như tất cả các gia đình tại đây cũng sẽ chuẩn bị những quả pháo riêng. Mọi người sẽ tụ tập cùng nhau ca hát, nhảy múa và tổ chức các lễ hội tưng bừng.
Bữa cơm đón năm mới của người Đan Mạch thường có cá rán, thịt quay với canh cải hầm, với ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc cho năm tới. Tất nhiên, rượu sâm panh không thế thiếu trong dịp này. Đối với tráng miệng, luôn phải có món bánh nhẫn truyền thống kransekagen. Chiếc bánh này có hình nón được làm từ nhiều chiếc bánh hình nhẫn xếp lên nhau, bên ngoài cứng và giòn, còn bên trong rất mềm và mịn.
Một phong tục độc đáo của người dân đất nước này vào dịp đón năm mới là ném đĩa vỡ vào cửa nhà người khác. Từ trong năm, mọi người đã cố gắng tích trữ thật nhiều bát đĩa sứt mẻ và đợi đến lúc giao thừa sẽ dùng số bát đĩa mẻ này ném vào nhà bạn bè, người thân. Nhà nào càng có nhiều đĩa, cốc, chén vỡ trước cửa nhà càng được xem là nhiều may mắn vì điều đó có nghĩa là họ có nhiều bạn bè thân thiết.
Có người còn cho rằng việc mang bát, đĩa hỏng ném đi có nghĩa là vứt đi những điều không tốt, những điều xui xẻo của một năm qua và sẵn sàng chào đón một năm mới tuyệt vời, vạn sự bình an,…
Hogmanay là lễ hội đón năm mới của người Scotland, kéo dài từ ngày 30/12 đến ngày 2/1 hàng năm. Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ lễ kỷ niệm ngày Đông chí của người Viking cổ xưa với những bữa tiệc vào cuối tháng 12. Sự kiện này được tổ chức trên khắp đất nước Scotland với những nghi lễ khác nhau và đều vô cùng nồng nhiệt, khó quên với những ai từng một lần được tham dự. Năm 2004, lễ hội Hogmanay được ghi vào Sách kỷ lục Guinness là bữa tiệc năm mới lớn nhất của Vương quốc Anh, với 400.000 người tham dự.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Scotland rất coi trọng việc ai là người đầu tiên bước chân vào nhà bạn. Bạn bè và những người thân trong gia đình đến nhà nhau chúc tết với những món quà trên tay. Người đầu tiên bước vào cửa sẽ tặng chủ nhà món quà tặng có ý nghĩa tượng trưng cho một lời chúc mừng năm mới.
Những món quà thường được lựa chọn có thể là một đồng xu (tượng trưng cho sự giàu có), than đá (tượng trưng cho sự ấm áp), bánh mỳ (tượng trưng cho sự no đủ) hoặc rượu whisky (tượng trưng cho sự vui vẻ). Sau khi vào nhà, mọi người sẽ ném than vào lò sưởi, đặt bánh mỳ trên bàn, rót rượu mời chủ nhà và gửi lời chúc mừng năm mới tới các thành viên trong gia đình.
Người xông đất sẽ vào nhà bằng cửa trước rồi ra khỏi nhà bằng cửa sau. Và đặc biệt hơn, nếu như trong ngày đầu năm bạn được một người đàn ông tóc đen cao lớn (tượng trưng cho người Viking cổ) xông nhà thì đó là một điều cực kỳ may mắn.
Đất nước Italy xinh đẹp nổi tiếng vì rất nhiều thứ. Nơi đây có nền ẩm thực tuyệt vời với những món ăn nổi tiếng như pizza, spaghetti, lasagne,… Lịch sử của Italy cũng được giảng dạy ở nhiều quốc gia do những ảnh hưởng đáng kể của Đế chế La Mã đối với thế giới. Không chỉ sở hữu những công trình kiến trúc độc đáo vừa mang nét đẹp cổ kính lại pha chút hiện đại, đất nước này còn mang trong mình nền văn hóa đặc sắc khi chào đón năm mới.
Vào giao thừa, người Italy sẽ ném hết những món đồ cũ ra ngoài. Chúng có thể là bàn ghế cũ, lò nướng hay ti vi đã cũ. Nhưng để tránh gây thương tích cho người đi đường cũng như du khách, người dân đất nước này sẽ chọn các vật nhỏ và mềm để ném.
Theo quan niệm của cư dân nơi đây, ném những đồ đã cũ tức là mang điều không vui, xui xẻo của năm trước ra ngoài. Khi ném chúng đi cũng đồng nghĩa với việc mọi người sẵn sàng chào đón năm tiếp theo với những điều mới mẻ đang tới. Đồng thời, họ cũng tin rằng, khi món đồ cũ được ném đi, tức là vào năm sau gia đình sẽ có những món đồ mới.
Ngoài truyền thống vứt bỏ đồ cũ, người dân còn phong tục khác cũng thú vị không kém. Cụ thể, vào ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ tụ tập ở cây cầu Cavor để nhảy xuống sông Tiber, dưới tiết trời lạnh buốt gần chạm ngưỡng 0 độ C. Tập tục này có từ năm 1946 và được tin rằng những ai đủ dũng cảm nhảy xuống sẽ gặp nhiều may mắn, thành công trong năm tới.
Bên cạnh đó, người Italy có truyền thống mặc đồ nội y màu đỏ để chào mừng năm mới. Trong văn hóa Italy, màu đỏ có liên quan đến khả năng sinh đẻ, vì vậy mọi người mặc nó bên trong quần áo với hy vọng rằng sẽ có em bé trong năm tới.
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết