Chuyên mục
26/11/2023

Những nhóm hàng không thể cán đích mục tiêu xuất khẩu năm 2023

DNTH: Những ngành hàng chủ lực như điện thoại, thủy sản, gỗ, giày dép… đã xác định không thể cán đích mục tiêu xuất khẩu năm 2023.

Theo báo Đầu Tư, không ít ngành hàng xuất khẩu buộc phải “lỗi hẹn” với mục tiêu xuất khẩu năm 2023 do tình hình thị trường diễn biến không như mong đợi, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.

Từng mang về 16,5 tỷ USD trong năm 2022, nhưng năm 2023, ngành này không giữ được “phong độ”. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,8 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu còn yếu; trong khi đó, tiêu thụ nội địa cũng chững lại do thị trường bất động sản trầm lắng, không có nhiều dự án mới.

Dự kiến trong 2 tháng cuối năm, doanh thu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 2,5 - 2,7 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ USD và mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD của ngành gần như không thể hoàn thành.

xuat-khau
Không ít ngành hàng xuất khẩu buộc phải “lỗi hẹn” với mục tiêu xuất khẩu năm 2023. Ảnh minh họa từ internet.

Tương tự, xuất khẩu giày dép cũng cầm chắc lỗi hẹn. Năm 2022, mặt hàng này đóng góp 23 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu của cả nước, nhưng qua 10 tháng của năm nay mới mang về 16 tỷ USD, giảm 4 tỷ USD (20,2%) so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp trong ngành tính toán, với kịch bản khả quan nhất, xuất khẩu giày dép chỉ có thể cán đích năm 2023 ở mức 19 tỷ USD, tức là vẫn “hụt hơi” 4 tỷ USD so với năm 2022.

Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện sau chặng đường 10 tháng mới đạt 44 tỷ USD, giảm 6,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Sau rất nhiều năm dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, điện thoại và linh kiện đã phải “nhường ngôi” cho máy tính - linh kiện từ nhiều tháng nay. Với tình hình hiện tại, có thể khẳng định, xuất khẩu điện thoại và kinh kiện không thể chạm tới mức 58 tỷ USD - kỷ lục thiết lập năm 2022, mà sẽ giảm khoảng 3 - 3,5 tỷ USD.

Ngành thủy sản đánh giá, dù các thị trường xuất khẩu hồi phục dần vào cuối năm, song cũng không thể lấp đầy được khoảng trống sụt giảm kéo dài trong nhiều tháng liền, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm chỉ đạt 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.

Dù không đạt được mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, thậm chí còn giảm sút so với năm ngoái, nhưng kết quả dự kiến đạt được là rất đáng kể với từng doanh nghiệp, từng ngành hàng, ghi nhận tinh thần nỗ lực hết mình trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, sức mua sụt giảm mạnh.

Khó hoàn thành mục tiêu xuất nhập khẩu 700 tỷ USD Theo Lao Động, thông tin từ Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng đạt 558 tỷ USD, giảm 9,6% (cùng kỳ năm trước đạt 617,4 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu giảm 7,1% (cùng kỳ đạt 313,5 tỷ USD); nhập khẩu giảm 12,3% (cùng kỳ đạt 303,9 tỷ USD). Với tốc độ này, mục tiêu xuất nhập khẩu đạt 700 tỷ USD là thách thức rất lớn bởi trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng cần đạt 71 tỷ USD. Dự báo, những tháng cuối năm nay vẫn khó khăn do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, sự bất định gia tăng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm… trước tình hình đó, Bộ Công Thương, các ngành hàng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ - cho biết, Thương vụ đang đẩy mạnh kết nối nhà mua hàng nước này với các doanh nghiệp Việt, hỗ trợ đưa sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối của Hoa Kỳ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - cho rằng, các doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại xem xét giảm thiểu các điều kiện vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật như giảm 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản. "Càng cắt giảm điều kiện cho vay, doanh nghiệp càng tiếp cận dễ dàng hơn và tổng số vốn vay được nhiều hơn". Bên cạnh đó, theo ông Mạc Quốc Anh, mấu chốt hiện nay là phải “sưởi ấm” tổng cầu, doanh nghiệp giải phóng được tồn kho mới có dòng tiền sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tham gia các chương trình kết nối, giảm giá, khuyến mại tại các địa bàn trên toàn quốc, nhất là các vùng sâu, vùng xa để kích thích tiêu dùng của người dân.

Theo Người Đưa Tin

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.



Bình luận - Thảo luận