Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.454 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ giảm mạnh giá vốn bán hàng nên lợi nhuận gộp đạt 591 tỷ đồng, tăng 24,5%. Biên lãi gộp cải thiện lên mức 41%, cao hơn so với mức 34% năm 2022.
Trừ các chi phí, Nhựa Bình Minh báo lãi sau thuế 257 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, doanh thu của Công ty ở mức 5.157 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Song, giá vốn hàng bán giảm 28%, giúp lãi gộp tiến lên mức 2.116 tỷ đồng, tương ứng tăng 32%. Biên lãi gộp ở mức 41%, cao hơn so với mức 28% năm trước.
Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi kỷ lục 1.040 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm trước. Kết quả này đã giúp công ty vượt 60% mục tiêu lợi nhuận và thực hiện được 81% kế hoạch doanh thu năm.
Lãi gộp tăng mạnh nhờ được hưởng lợi từ giá nguyên liệu nhựa PVC trong năm 2023, chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào của Công ty, giảm đáng kể so với năm trước và đi ngang trong năm do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới suy giảm.
Ngoài ra, Công ty còn được hưởng lợi từ hệ sinh thái của ông lớn ngành nhựa Thái Lan là Tập đoàn SCG, sở hữu gián tiếp BMP thông qua Nawaplastic Industries (nắm 54,99% vốn BMP tại cuối năm 2023). Chưa kể, BMP có khả năng tăng nhập PVC từ DGC khi nhà máy Đức Giang Nghi Sơn đi vào hoạt động, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung nguyên liệu, (theo báo cáo của Chứng khoán KBSV công bố vào tháng 10/2023).
Bên cạnh mảng kinh doanh chính, doanh thu tài chính của Công ty trong năm 2023 cũng có kết quả tích cực, đạt 119 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước. Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay chiếm gần 117 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính được kéo giảm 8% về 146 tỷ đồng, chi phí lãi vay không đáng kể.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, Nhựa Bình Minh có tổng tài sản đạt trên 3.255 tỷ đồng, mở rộng 7% so với đầu năm. Trong đó bao gồm 821 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền cùng gần 1.200 tỷ đồng khoản tiền gửi ngắn hạn. Riêng 2 khoản này đã chiếm gần 62% tổng tài sản.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Nhựa Bình Minh chỉ ở mức 565 tỷ đồng, bằng 21% vốn chủ sở hữu, tăng 33% so với đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 55 tỷ đồng, chỉ tăng 10 triệu đồng. BMP không vay dài hạn.
Trong bảng thuyết minh ngoài bảng cân đối kế toán, Nhựa Bình Minh đã xoá sổ 2 khoản nợ khó đòi, bao gồm gần 31 tỷ đồng từ công ty TNHH ™ Nhựa Đức Thành và 2,7 tỷ đồng từ khác khách hàng khác. Nguyên nhân được đưa ra là đây là 2 khoản nợ không thể thu hồi được.
Trước đó, vào năm 2014, Nhựa Bình Minh đã khởi kiện Nhựa Đức Thành với lý do chậm thanh toán khoản nợ 35,5 tỷ đồng (từ tháng 6/2013).
Sau đó, Tòa án Nhân dân quận Tân Bình đã công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, Nhựa Đức Thành có trách nhiệm trả cho BMP số tiền nợ vốn 35,5 tỷ đồng theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 20/9/2013 và tiền lãi theo mức lãi suất 9%/năm. Thời gian tính lãi từ 1/1/2014. Lộ trình trả nợ chia làm 5 giai đoạn (Đơn vị: Tỷ đồng).
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Điệp (là đại diện về phía Nhựa Đức Thành) và bà Đặng Thị Bích Hạnh đã đồng ý để có quan có thẩm quyền bán phát mãi ngay đối với 2 tài sản là 2 thửa đất tại Phường 15, quận Tân Bình - là tài sản của ông Nguyễn Hoàng Điệp, Bà Đặng Thị Bích Hạnh để trừ vào số tiền nợ vốn mà Nhựa Đức Thành phải trả cho BMP như những điều khoản thỏa thuận ở trên.
Tuy nhiên, khoản nợ này vẫn “treo” ở báo cáo tài chính của BMP. Và sau 10 năm không thể thu hồi, doanh nghiệp này đã quyết định xoá sổ khoản nợ này.
Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu đạt 2.690 tỷ, với 1.157 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 667 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023, công ty đã mạnh tay chi trả tiền lương, thưởng và thù lao cho thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc và Ban Kiểm soát.
Cụ thể, Thành viên HĐQT gồm 6 thành viên, trong đó, Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud nhận về 2,73 tỷ đồng tiền lương, thưởng và thù lao; trung bình mỗi tháng vị Chủ tịch người Thái này được trả 228 triệu đồng.
Đáng chú ý, người được chi trả nhiều nhất là ông Chaowalit Treejak – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc với hơn 5 tỷ đồng cho cả năm 2023, trung bình ông được trả 423 triệu đồng/tháng.
3 thành viên HĐQT còn lại là ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phan Khắc Long và Poramate Larnroongroji được trả lần lượt 1,9 tỷ đồng, 1 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng. Bà Phan Thị Minh Giang nhận 545 triệu đồng cả năm 2023.
Bên cạnh đó, công ty chi trả cho thành viên khác của Ban Tổng Giám đốc 8,58 tỷ đồng cả năm 2023. Thành viên Ban Kiểm soát được trả 3,19 tỷ đồng.
Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp trong nước, vốn đã được cổ đông lớn nắm quyền chi phối với tỉ lệ nắm giữ 55% vốn điều lệ là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan.
Doanh nghiệp đến từ Thái Lan này trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng, sở hữu 16,72% vốn điều lệ. Sau đó, tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu, trong đó có việc chi ra khoảng 2.300 tỷ đồng để mua lại 21,13 triệu cổ phiếu từ SCIC trong đợt đấu giá vào năm 2018, với giá trúng bình quân bằng giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết