Chuyên mục
Danh sách diễn đàn
01/02/2024

Ngành thép sẽ có triển vọng tươi sáng và phục hồi trong năm 2024?

Nhiều chuyên gia dự báo, ngành thép Việt Nam trong năm 2024 có thể sản xuất được 29 triệu tấn và tiêu thụ được 21,67 triệu tấn, sau khi cho thấy những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ vào cuối năm 2023.

Cụ thể, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có đánh giá tích cực về tiêu thụ thép xây dựng, với sự tăng trưởng đáng kể trong tháng 11 và 12/2023, đạt mức cao nhất trong 20 tháng qua, tăng trưởng hơn 20-40% tùy mặt hàng.

Thông qua sự khởi sắc của nền kinh tế nội địa và các chính sách thúc đẩy đầu tư công từ Chính phủ và các bộ ngành trong năm 2024, dự kiến sản xuất và tiêu thụ thép có thể đạt 29 triệu tấn và 21,67 triệu tấn, tăng 6,7% và 7,4% so với năm 2023.

thep-cuon.jpg
Sản xuất và tiêu thụ thép trong năm 2024 được dự báo sẽ đạt 29 triệu tấn và 21,67 triệu tấn

Sau khi trải qua giai đoạn giảm giá kéo dài từ giữa năm 2023, khiến giá thép xây dựng giảm 19 lần liên tiếp và đạt mức đáy thấp nhất trong 3 năm trở lại đây do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản yếu ớt và đầu tư công chưa thực sự phục hồi thì đến quý IV/2023, giá thép và sức mua đã có dấu hiệu phục hồi, mang lại tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhu cầu thép được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại khi đầu ra là thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2024. Các dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù giao dịch căn hộ, chung cư, đất nền trong quý III/2023 mới bằng khoảng 73% so với cùng kỳ nhưng đã tăng 24,7% so với quý II/2023. Bên cạnh đó, số lượng dự án xây dựng hoàn thành và đang xây dựng đều tăng lại so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện kể từ năm 2024. Trong đó, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% vào năm 2024, đạt mức 20.000 căn hộ và tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung đạt khoảng 12.000 căn (tăng 31%). CBRE cho rằng, nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.

Cùng với đó, mới đây Chứng khoán MB (MBS) cũng dự báo trong năm 2024, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. MBS cho rằng, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.

Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% trong năm 2024 giúp biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp xuất khẩu thép cải thiện.

Đây được xem là giai đoạn quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép tăng cường tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm, hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sau thép. Tuy nhiên về lâu dài, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần phải hướng tới sản xuất xanh, bền vững và đầu tư nguồn lực về tài chính, công nghệ sản xuất các sản phẩm thép xanh, đáp ứng quy định về giảm phát thải carbon để giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần có những giải pháp ứng phó với cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới của EU (CBAM) vừa thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường, cải thiện năng lực pháp lý, nâng cao năng lực, nguồn lực tài chính, thực hiện công khai, minh bạch trong quản trị, minh bạch hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế để hạn chế thấp nhất nguy cơ bị các nước mở điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Sài Gòn.



Bình luận - Thảo luận