Trong đó, mức thu nhập bình quân ở lao động nam đạt 8,1 triệu đồng và lao động nữ đạt 6 triệu đồng. Riêng quý IV/2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đã đạt 7,3 triệu đồng mỗi tháng, tăng 180.000 đồng so với quý III/2023.
Báo cáo cũng cho thấy, tốc độ tăng thu nhập của quý III/2023 đạt 2,5%, gần gấp đôi so với 1,4% quý IV/2022 là thời điểm mà đại dịch Covid-19 vừa chấm dứt. Nguyên nhân của sự tăng tốc độ thu nhập ở những tháng cuối năm 2023 là do nhiều doanh nghiệp muốn tăng tốc sản xuất kinh doanh và tình trạng đơn hàng cải thiện đã đẩy mức thu nhập của người lao động cao hơn so với trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động trong quý IV/2023 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Hồng được ghi nhận là khu vực có mức tăng thu nhập cao nhất trong quý IV/2023, đạt 8,7 triệu đồng mỗi tháng (tăng 3,5%). Ngược lại, vùng Đông Nam Bộ được ghi nhận là khu vực có mức tăng trưởng thu nhập thấp nhất, khoảng 2,3%, đạt 9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, mức tăng thu nhập lao động một số tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, chế xuất, khá thấp, như Đồng Nai 8,9 triệu đồng (tăng 1,6%); TP.HCM 9,4 triệu đồng (1,9%). Tuy nhiên, một số địa phương lại có mức tăng trưởng khá, như Bình Dương 9,5 triệu đồng (tăng 6,4%); Vũng Tàu 8,7 triệu đồng (12,8%).
Mặc dù được ghi nhận là khu vực có mức tăng thu nhập thấp nhất trong năm 2023 nhưng Đông Nam Bộ không còn là khu vực dẫn đầu về tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Đáng chú ý, số người nghỉ giãn việc, mất việc những tháng cuối năm tiếp tục giảm so với quý III/2023; trong đó, lao động mất việc còn 85.000 người, giảm gần 33.000 người; người nghỉ giãn việc còn 77.800 người, giảm hơn 187.000 người so với quý III/2023.
Đặc biệt, tại TP.HCM, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm còn 2,91% do nhiều doanh nghiệp tìm kiếm lại đơn hàng, mở rộng sản xuất, nên có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động. Ngoài ra, TP còn tạo điều kiện tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm trực tiếp lẫn trực tuyến để kết nối lao động và doanh nghiệp.
Dù vậy, dự báo năm 2023 cho biết thị trường lao động Việt Nam sẽ vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Vì thế, ngành Lao động cần tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Sài Gòn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết