Chuyên mục
20/01/2024

Mỹ: Bánh quy và kẹo là “nạn nhân” tiếp theo của giá đường

Mỹ: Bánh quy và kẹo là “nạn nhân” tiếp theo của giá đường

Trước đây, cuộc khủng hoảng khí hậu xảy ra ở nhiều khu vực trên toàn cầu đã được xác định là mối đe dọa đối với cà phê và bia, nhưng tác động của nó giờ đây có thể lan sang một niềm vui khác của cuộc sống: món ăn tráng miệng.

Giá đường thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 sau những lo ngại về tỷ lệ sản xuất kém từ Ấn Độ - quốc gia trải qua đợt khô hạn đe dọa mùa màng và Thái Lan - quốc gia cũng đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng. Hai quốc gia này đều là nước xuất khẩu đường lớn nhất, chỉ xếp sau Brazil.

Nhiệt độ toàn cầu tăng - năm 2023 được xem như năm nóng nhất từng được ghi nhận - đang gây ra các hậu quả ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng lương thực, bao gồm cả sản lượng đường. Việc tăng giá đã bắt đầu tác động sang sô cô la, kẹo và các món tráng miệng khác.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, người tiêu dùng nước này đã chứng kiến giá đường và đồ ngọt tăng 8,9% vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng thêm 5,6% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử. Vào tháng 11/2023, Mondelēz - doanh nghiệp lớn sở hữu các thương hiệu đồ ngọt như Cadbury, Oreo và Toblerone - đã cảnh báo về việc tăng giá sản phẩm.

Dirk Van de Put, giám đốc điều hành của Mondelēz, nói với Bloomberg rằng sẽ không tránh khỏi một đợt tăng giá khác sắp tới do giá đường và ca cao đang ở mức quá cao.

Gernot Wagner, nhà kinh tế khí hậu tại trường kinh doanh Đại học Columbia, nhận xét: “Thời tiết khắc nghiệt đang ảnh hưởng đến thực phẩm – một năm trước là bơ, bây giờ là đường. “Lạm phát khí hậu” đang trở thành vấn đề và nó ngày một tồi tệ hơn”.

Bên cạnh đó, bắt đầu xuất hiện một số trở ngại trong quá trình xuất khẩu đường do các lệnh giới hạn từ nước sản xuất nhằm duy trì lượng hàng tồn kho của riêng họ và tình trạng tắc nghẽn tại cảng ở Brazil.

“Không nghi ngờ gì nữa, giá đường đang rất, rất cao và sẽ tiếp tục ở mức cao cho đến khi chúng ta thấy El Nino suy yếu”, ông Wagner nhấn mạnh khi đề cập đến hiện tượng khí hậu định kỳ có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn nữa trong năm nay.

Theo ông Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, các tác động sẽ được cảm nhận nghiêm trọng nhất ở các nước đang phát triển và nông dân tự cung tự cấp: “Có vô số mối lo ngại về tác động lâu dài của biến đổi khí hậu với sự dịch chuyển diện tích trồng trọt và sự biến động cao hơn về giá của những mặt hàng thiết yếu như gạo và đường”.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ cản trở khả năng trồng lúa của các quốc gia như Trung Quốc, trong khi giới chuyên gia đã cảnh báo rằng sản lượng ngô toàn cầu có thể giảm 24% vào năm 2030.

Nhìn chung, lạm phát lương thực trên toàn thế giới có thể đạt tới 3% mỗi năm vào những năm 2030 do khủng hoảng khí hậu nếu các hoạt động ứng phó thích hợp không được thực hiện, một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Châu Âu nêu rõ vào năm ngoái.

Theo Tạp chí Thương gia.



Bình luận - Thảo luận