Tín hiệu khó khăn của thị trường bất động sản bắt đầu bùng mạnh và lan rộng vào thời điểm cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, khó khăn bao trùm toàn thị trường bất động sản. Tình trạng nhà đầu tư rao bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra rầm rộ. Thậm chí nhiều chủ đầu tư dự án để bán được hàng cũng chấp nhận chiết khấu tới 40% giá bán.
Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thanh khoản bất động sản nửa đầu năm duy trì ở mức thấp, tuy nhiên càng về cuối năm tình hình càng được cải thiện. Cụ thể, thể quý I có 2.700 giao dịch thành công, quý II cũng ở mức 3.700 giao dịch. Mặc dù, bước sang quý III và IV, thanh khoản đã có sự cải thiện đáng kể, tâm lý e dè của người mua đã phần nào được gỡ bỏ. Nhưng, thị trường bất động sản được đánh giá vẫn trong trạng thái ảm đạm.
Trong bối cảnh chung, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cân đối lại các chi phí, trong đó có khoản lương, thưởng cho dàn lãnh đạo. Tuy nhiên, vẫn có đơn vị tăng lương cho Chủ tịch HĐQT tới 18 lần so với năm 2022.
Tại CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt nhận mức thù lao gần 483 triệu đồng trong quý IV/2023 vừa qua, trong khi cùng kỳ năm trước là gần 2,2 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, ông Đạt có thù lao 1,9 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là gần 12 tỷ đồng. Như vậy, mức thù lao của Chủ tịch PDR trong năm vừa qua đã giảm tới 84% so với cùng kỳ.
Trong quý vừa qua, ở PDR, mức thù lao cao nhất là ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc, với con số hơn 1,4 tỷ đồng, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ. Lũy kế 2023, thù lao của ông Vũ đạt 5.630 tỷ đồng, gấp gần 3 lần Chủ tịch. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, thù lao của ông Vũ đã giảm 27%.
Trong quý IV/2023, PDR chi tổng cộng 5,3 tỷ trả lương và thù lao cho HĐQT, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và người quản trị, con số này giảm 40%, tương đương 3,6% so với năm 2022.
Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã: NVL), lại tăng mạnh mức thù lao nhận được trong năm 2023. Quay lại ghế Chủ tịch từ tháng 2/2023, ông Nhơn đã nhận về 1,1 tỷ thù lao, gấp 18 lần so với con số 61 triệu trong năm 2022.
Nhân sự có mức lương cao nhất NVL trong năm ngoái là ông Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc. Mặc dù mới chỉ được bổ nhiệm vị trí CEO Novaland vào tháng 3/2023, song năm qua ông Ng Teck Yow đã nhận được mức lương gần 3,3 tỷ đồng.
Đơn vị địa ốc khác cũng khá “mạnh tay” chi lương thưởng là CTCP Tập đoàn Nam Long (mã: NLG). Theo đó, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT nhận về 5,14 tỷ đồng, tương đương 428 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức thù lao nhất lớn trong doanh nghiệp này. Xếp thứ hai là ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch NLG với mức thu nhập 4,23 tỷ đồng, tương đương gần 353 triệu đồng/tháng.
Nam Long cũng là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản không có biến động về thu nhập của dàn lãnh đạo trong năm qua.
Tại CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG), ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT nhận 1,95 tỷ đồng tiền thù lao, tương đương 162,5 triệu đồng/tháng. Người có mức thù lao cao thứ 2 tại DIG là ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT, với con số gần 1,5 tỷ đồng, tương đương 125 triệu đồng/tháng.
Tại Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG), mức thu nhập Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Đức nhận về trong năm 2023 gần 2,8 tỷ đồng, tương đương 233 triệu đồng/tháng. Dù khá cao so với mặt bằng chung nhưng con số này cũng giảm khoảng 33% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tổng mức chi trả lương, thù lao cho các thành viên khác trong năm 2023 của DXG đạt 9,5 tỷ, giảm khoảng 43%.
Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (mã: HPX) Đỗ Quý Hải đã giảm một nửa mức thù lao nhận về, từ 1,2 tỷ trong năm 2022 xuống 600 triệu trong năm ngoái, tương đương chỉ còn 50 triệu đồng/tháng. Trái lại, CEO của Hải Phát là ông Đoàn Hòa Thuận lại có mức thu nhập 1,97 tỷ đồng, tăng 64,5% so với cùng kỳ. Như vậy, thu nhập của ông Thuận trong năm 2023 đạt gần 164 triệu đồng/tháng.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết