Chuyên mục
Danh sách diễn đàn

Khoảng 38 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo chuyên môn

Thị trường lao động Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng số lượng lao động Việt Nam có tay nghề cao, được đào tạo chuyên môn vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng lao động có trình...

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Việt Nam đang có khoảng 38 triệu người lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức trong nền kinh tế vẫn khá cao. Hiện có 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 64,6% trong tổng số việc làm của nền kinh tế.

img4933-2-.jpg
Thị trường lao động Việt Nam đang mất cân đối bởi sự chênh lệch giữa nguồn lao động được đào tạo và chưa qua đào tạo

Số lao động này hầu hết trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động, do đó hầu như không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức.

Đây là vấn đề được Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu tại báo cáo một số ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thuộc lĩnh vực phụ trách.

Thực tế này cho thấy thể chế phát triển thị trường lao động ở Việt Nam tuy đã được triển khai nhưng còn khá chậm, chưa khắc phục được những bất cập đã tồn tại nhiều năm qua về mất cân đối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động theo ngành, nghề, vùng trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; chất lượng lao động, chất lượng việc làm còn thấp.

Những hạn chế này đã tạo cản trở cho sự phát triển của tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động quốc gia, kết nối cung - cầu lao động triển khai còn chậm cũng góp phần trở thành rào cản cho thực tế trên.

Vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ đang là hai vùng kinh tế - xã hội có tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức ở mức cao nhất so với cả nước, lần lượt ở mức là 55,8% và 47,5%. Đặc biệt, trong thời gian qua, tỷ lệ người lao động tiếp tục bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... đang tăng nhanh bởi những biến động thị trường khó lường trong nước và quốc tế.

Tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 14,0 triệu người, chiếm 26,8%, tăng gần 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Những số liệu thống kê trên đang cho thấy tình trạng báo động khi tình trạng mất cân đối về cung - cầu lao động, tập trung các lao động trẻ về các thành phố lớn để tìm việc đã khiến các tỉnh lẻ hoặc khu vực vùng sâu vùng xa gần như không còn lực lượng lao động để phát triển kinh tế. Người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường đang trở thành vấn đề cấp bách cần có chính sách hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Sài Gòn.



Bình luận - Thảo luận