Chuyên mục
04/08/2023

Kết nối, khai thác thị trường xuất khẩu cho sản phẩm đồ gỗ, dệt may và da giày

Mới đây, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023” với chủ đề Chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày” nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ.

Hội nghị thu hút 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham dự.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.

Tuy vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ…

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất; tổng kim ngạch xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1 so với cùng kỳ...

Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch, biện pháp chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Quân – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng … với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU. Với da giày, đại diện các doanh nghiệp da giày EU, khâu tạo ra nhiều carbon trong sản xuất da giày là từ điện (sẽ bị áp dụng carbon gián tiếp từ sau năm 2023). Do vậy, các doanh nghiệp da giày EU đang vận động doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng (như lắp tấm điện mặt trời tại các nhà xưởng.

Với dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc... Các quy định này có thể khiến doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân Hiệp định EVFTA giúp các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU. Để tận dụng được các ưu thế này, đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Mặt khác, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu tiềm năng của các sản phẩm, gỗ, dệt may, da giày, tuy nhiên gần đây hoạt động này đang sụt giảm tương đối lớn. Theo ông Đỗ Mạnh Quyền – Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh trong nước, xác định rõ thị trường và sản phẩm, tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường lớn như Hoa Kỳ; cải thiện chất lượng hoá cũng như công nghệ sản xuất. Để phát triển thị trường, doanh nghiệp ngành hàng cần ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách. Đặc biệt, khi xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương, ký kết hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

Đối với thị trường Brazil, dù có những ảnh hưởng nhất định tới sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam nhưng Brazil là thị có nhu cầu lớn và tương đối dễ tính, không quá khắt khe và thị hiếu người dân rất đa dạng. Tuy nhiên, trở ngại là khó khăn do chi phí logisitics, các phương tiện vận chuyển chưa thuận lợi để kết nối người dân hai nước, cũng như Logistics chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hai bên. Sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore….

Do đó, để hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm gỗ, dệt may, da giày sang thị trường này cần triển khai trao đổi đoàn các cấp, Bộ Công Thương cần đề xuất Chính phủ có chủ trương mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil, vì đây là cữa ngỏ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ. Theo đó, các cơ quan trong nước, nhất là Cục Xúc tiến thương mại tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham dự các Hội chợ và các hội nghị xúc tiến hàng hóa khác tại địa bàn; các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp làm tốt hơn nữa trong xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh.

PV.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.



Bình luận - Thảo luận