Thực thi Hiệp định này sẽ giúp GDP tới năm 2040 của Indonesia tăng thêm 0,07%, tương ứng với 38.33 nghìn tỷ Rp (2,65 tỷ USD) và đầu tư FDI tăng 0,13%, tương ứng với 24.53 nghìn tỷ Rp (1,65 tỷ USD). Xuất khẩu của nước này dự kiến tăng thêm 5,01 tỷ USD và thặng dự thương mại tăng thêm 979,3 triệu USD. Các thành viên của RCEP đều là những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nước này khi chiếm tới 60% tổng giá trị xuất khẩu (132,6 tỷ USD); 71% tổng kim ngạch nhập khẩu (32,6 tỷ USD) và 47% tổng FDI (18,82 tỷ USD) trong năm 2021.
Thông qua RCEP, Indonesia sẽ có cơ hội mở rộng và và làm gia tăng chuỗi giá trị khu vực, các công ty xuất khẩu của Indonesia sẽ thu được giá trị lớn hơn từ các hoạt động xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Indonesia, giúp xóa bỏ nhiều rào cản đối với thương mại dịch vụ, các quy định về thương mại sẽ được đơn giản hóa và đảm bảo sự đồng nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thu hẹp khoảng các phát triển thông qua hợp tác kỹ thuật và kinh tế. Indonesia cũng kỳ vọng, hiệp định RCEP sẽ gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, ô-tô, điện tử, thực phẩm và đồ uống, hóa chất và thiết bị máy móc tại 03 thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh những hiệu ứng tích cực đối với kinh tế và xuất khẩu của Indonesia do hiệp định RCEP mạng lại, Indonesia cũng quan ngại tới hàng hóa nhập khẩu khi thực thi hiệp định. Các nhóm hàng được dự báo sẽ có sự gia tăng nhập khẩu bao gồm: thực phẩm chế biến; phương tiện vận tải và phụ tùng; kim loại, hóa chất, cao su chế biến; sản phẩm nhựa và dệt may và theo các chuyên gia, cán cân thương mại của những nhóm hàng này dự báo sẽ thâm hụt trong những năm đầu thực hiện hiệp định RCEP.
Cũng tại kỳ họp thứ 03, Quốc hội Indonesia cũng phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Indonesia-Hàn Quốc (IK CEPA), dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 01/2023. Hiệp định này bao gồm các thỏa thuận ưu đãi về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ cũng như các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước. Theo Bộ Thương mại Indonesia, với mức độ cam kết ưu đãi trong IK-CEPA sẽ cao hơn so với FTA Asean-Hàn Quốc. Với việc Hàn Quốc sẽ miễn hơn 95% dòng thuế (tương ứng với 11.267 được hưởng thuế 0%) với sản phẩm xuất khẩu của Indonesia và Indonesia sẽ miễn 92% số dòng thuế đối với các sản phẩm của Hàn Quốc, Indonesia kỳ vọng sẽ giúp gia tăng đầu tư của Hàn quốc vào Indonesia, gia tăng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ của Indonesia ở cả Hàn Quốc và khu vực Đông Á cũng như tại các nước đối tác đã ký kết FTA với Hàn Quốc, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Indonesia, khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch về các quy định hải quan tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa; khuyến khích phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Indonesia dự tính giá trị xuất khẩu của Indonesia sang Hàn Quốc sẽ tăng thêm 8,84 tỷ USD và nhập khẩu tăng thêm 8,46 tỷ USD và nước này sẽ có thặng dư thương mại với Hàn Quốc khoảng 336 triệu USD vào năm thứ năm của Hiệp định. Cơ hội xuất khẩu sẽ gia tăng đối với các sản phẩm của Indonesia bao gồm: xe đạp, xe máy và phụ tùng; thủy sản (cá) chế biến, sầu riêng, quả salak rong biển, bít-tất. Cơ hội xuất khẩu sẽ gia tăng đối với các sản phẩm Hàn Quốc như: hoa quả đóng hộp, sữa chua, vải len, ván gỗ và áo khoác mùa đông. Về dịch vụ, cán cân thương mại dịch vụ tăng thêm 792 triệu USD và sẽ có hơn 100 tiểu nhóm ngành dịch vụ sẽ mở cho 02 nước và trần vốn đầu tư FDI giới hạn được nới rộng tới mức 100%.
Hiện Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy và thị trường nhập khẩu lớn thứ sáu của Indonesia với tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương Indonesia-Hàn quốc năm 2021 đạt 18,4 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Indonesia sang Hàn quốc là 8,9 tỷ USD và nhập khẩu từ Hàn Quốc là 9,4 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia sang Hàn Quốc bao gồm: than, quặng đồng, dầu cọ, hóa chất, dệt may, cao su tự nhiên. Đầu tư FDI của Hàn Quốc vào Indonesia năm 2021 đạt 1,64 tỷ USD.
Về Hợp tác kinh tế, hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, quy tắc và thủ tục thương mại, cơ sở hạ tầng, công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa. Thông qua cơ chế hợp tác Indonesia có thể đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ kỹ thuật, chia sẽ kinh nghiệm và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
PV.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết