Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2023 – ASEAN Online Sale Day 2023 với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực đồng thời thúc đẩy quá trình thực thi các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN+.
Theo báo cáo năm 2022 của Google, Temasek và Bain & Company tập trung vào 6 nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam, có tới 20 triệu người dân đã sử dụng nền tảng trực truyến lần đầu tiên vào năm 2022, nâng tổng số người dùng Internet trong khu vực từ 360 triệu người vào năm 2019 lên 460 triệu người vào năm 2022.
Nhờ vào sự tiện lợi và hiệu quả của thương mại điện tử, lĩnh vực được dự báo tiếp túc đà tăng trưởng ấn tượng mặc dù đại dịch Covid-19 đang dần kết thúc. Theo báo cáo của Statista, ASEAN được dự báo sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 11,43% trong 5 năm tới, tương đương với các nước đã phát triển trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada. Doanh thu cuối năm 2023 được dự báo đạt 113,90 tỷ USD và hoàn toàn có thể lên mốc 175 tỷ USD vào cuối năm 2027. Trong đó, ngành hàng điện tử và thực phẩm được người tiêu dùng trong ASEAN ưa chuộng nhất. Cũng theo thống kê của Statista, mỗi người tiêu dùng trong khu vực được dự đoán sẽ chi tiêu lần lượt 180 đô và 145 đô trong năm nay, lần lượt cho hai ngành hàng trên. Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển chung của lĩnh vực thương mại điện tử trong khu vực ASEAN. Shopee được đánh giá là nền tảng nổi trội nhất, chiếm tới 44% tỷ lệ tổng doanh thu toàn khu vực. Với đà tăng trưởng này, ASEAN đang trên con đường trở thành nền kinh tế Internet trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử là động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế. Tuy thị trường thương mại điện tử trong ASEAN được đánh giá vô cùng hứa hẹn, các quốc gia vẫn gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với các MSMEs trong việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Squall Wang, Giám đốc điều hành UPS Việt Nam cho rằng, việc tái tạo hoặc củng cố chuỗi cung ứng, số hóa các quy trình để làm cho chúng hiệu quả hơn, hiểu thêm về các quy định hải quan hoặc bất kỳ vấn đề nào bạn gặp phải trong quá trình đưa sản phẩm của mình ra thế giới, điều quan trọng cần nhớ là bạn không cần phải bắt đầu lại từ đầu và bạn không cần phải đầu tư vào nhiều công nghệ phức tạp khi bạn có thể nhận được nó, thường là miễn phí từ những công ty logistics như UPS. Đại diện của Shopee cũng khẳng định, việc xây dựng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới là công cụ mang tính định hướng lâu dài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ mở rộng thị trường xuất khẩu với chi phí tối ưu nhất.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra, đồng thời, đây sẽ là kênh bổ sung hiệu quả cho thương mại quốc tế truyền thống phát huy được những lợi thế về công nghệ, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với khách hàng trên toàn thế giới.
PV.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết