Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung lý giải, Tết là dịp để anh được quan tâm sâu sắc tới những người lao động cũng như người thân trong gia đình. Đây cũng là dịp để anh cùng những người thợ lành nghề của mình góp sức làm cho Tết đẹp hơn thông qua những bộ trang phục được khách hàng diện trong những ngày đầu năm.
Là người được sống trong những mùa Tết thời bao cấp, anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm về “sự háo hức mong chờ” của anh với Tết xưa?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung: Với Tết xưa, điều tôi “háo hức mong chờ” nhất đó là được mặc quần áo mới – đây là điều quan trọng nhất, quý giá nhất với cánh trẻ con chúng tôi lúc đó. Vì quần áo thời đó hiếm, một năm cố gắng lắm dịp Tết mới được bố mẹ mua cho bộ quần áo mới, còn lại là quần áo cũ mặc lại của nhau.
“Trẻ được đồng quà, già manh áo mới” rất chính xác trong một xã hội đầy sự thiếu thốn, thế nên quần áo mới thời đó là món quà vô cùng ý nghĩa đối với người già cũng như trẻ con. Tôi cũng không ngoại lệ. Cảm giác khi được mặc quần áo mới thật khó diễn tả.
Vì bố tôi - nhà tình báo Nguyễn Ngọc Thành, người sáng lập Nhà may Thời Đại, tiền thân của thương hiệu Nhà may Ba Thành - cũng là thợ may nên mấy anh em chúng tôi được chính tay bố mình may cho những bộ quần áo mới đón Tết. Tôi nhớ nhất có năm bố may cho tôi một bộ quần áo rất ấn tượng từ những miếng vải thừa trong lúc cắt may cho khách.
Vì tấm vải không đủ dài nên bố tôi đã táp thêm vải hoa khác màu vào đoạn gấu quần khiến nó thật nổi bật. Còn áo là một chiếc sơ mi màu trắng kèm xanh, đệm thêm vải ghi và được pha phối ở khắp cái áo sơ mi đấy. Mặc dù là quần hoa và áo phối nhiều màu từ các mảnh vải vụn nhưng tôi rất thích thú vì nó vô cùng thời trang, không bị đụng hàng với bất cứ đứa trẻ nào trong xóm thời đó.
Bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy sự pha phối, cắt ghép thành chiếc áo ấn tượng ấy rất hợp lý. Nó là một tông áo màu sáng chứ không pha phối giữa mảng sáng và tối đối lập, rất hài hoà và sành điệu.
Rồi vào thời điểm năm 1989 lúc mới thoát khỏi bao cấp, tôi lại được bố may cho một cái áo mùa đông có khoá phéc mơ tuya tương tự như áo khoác bây giờ. Tuy nhiên vẫn là áo chắp vải thừa vì không đủ vải nhưng tôi hào hứng với “dự án” đấy lắm. Từ lúc cắt cho đến lúc may tôi đều đứng hóng bên cạnh và theo dõi từng “tiến độ” của dự án này với sự háo hức đặc biệt.
Tôi đã lớn lên và đi qua những cái Tết thiếu thốn như thế. Tuy nhiên những bộ quần áo mới của ngày Tết ấu thơ vẫn mãi là hình ảnh, kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Giờ đây, mỗi khi Tết đến, xuân về, ký ức đẹp đẽ về những manh áo Tết ngày ấy vẫn luôn làm cho tôi rưng rưng một nỗi niềm khó tả!
Còn Tết hiện nay đối với anh chị có còn là những kỷ niệm đẹp như thời “vô lo vô nghĩ” xưa?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung: Với Tết nay - vẫn là cảm giác hào hứng trong tôi vì đây là mùa may vest phục vụ khách hàng. Cứ hình dung những ông bố, những người chủ gia đình khoác bộ vest thắp hương cho tổ tiên trong không khí trang nghiêm trước những mâm cơm cúng vào chiều 30 hay ngày mùng 1 Tết; hoặc họ khoác bộ vest mới đi chùa, đi thăm họ hàng đầu năm với sự vui vẻ, hài lòng hết cỡ sẽ tạo động lực rất lớn cho những người thợ may chúng tôi.
Tôi thường trò chuyện với khách hàng và luôn mong họ mặc bộ vest đấy ngay từ đầu giờ sáng mùng 1 Tết, đừng chờ khách đến mới mặc. Hãy tưởng tượng khi khoác bộ vest mới trên người, bên cạnh là bố mẹ, vợ con cũng mặc những bộ vest mới, những tà áo dài đỏ cùng con cái xúng xính váy, áo mới sẽ giúp chúng ta cảm thấy không khí ngày Tết thật trang trọng. Điều đó chắc chắn sẽ cho chúng ta cảm giác không khí đón năm mới trở nên ý nghĩa hơn, trân trọng Tết cổ truyền hơn.
Tuy háo hức với Tết như vậy nhưng là người kinh doanh, nên có lẽ anh chị sẽ không tránh khỏi mối lo như bao người khác đó là lo cái Tết cho người lao động rồi mới lo cho cái Tết cho gia đình mình?
Doanh nhân Đào Thị Hương: Tôi có cảm thán với anh chị em rằng rất sợ Tết vì phải lo nhiều thứ như chị mới nhắc đến. Tuy nhiên ông xã tôi lại có cái nhìn khác. Khi biết tôi sợ Tết, anh ấy đã chặn ngay suy nghĩ đó của tôi và bảo rằng tôi nên vui vì điều đó. Anh ấy cho rằng dịp Tết mới là dịp chúng tôi được quan tâm tới người lao động cũng như người thân trong gia đình. Hãy sợ những ngày nhàn rỗi hay khi người lao động phải nghỉ vì không có việc làm, khi nguồn thu nhập của họ bị ít đi… chứ không nên sợ Tết.
Anh xã đã giúp tôi xoá bỏ được năng lượng xấu, khiến tôi lập tức điều chỉnh ngay suy nghĩ của mình. Rõ ràng trong một năm qua người lao động cũng đã quăng quật với mình, tận tâm tận lực với doanh nghiệp, cùng đồng hành với chúng tôi lúc khó khăn cũng như lúc hưng thịnh. Do đó hiện tại tôi không coi việc lo Tết cho người lao động là gánh nặng mà đây là dịp để chúng tôi tri ân họ sau một năm cố gắng.
Có vẻ chồng chị là một người luôn tìm thấy điểm tích cực trong mọi vấn đề và luôn dung hoà được mọi chuyện. Vậy trong công việc kinh doanh, hai vợ chồng chị có khi nào trái quan điểm?
Doanh nhân Đào Thị Hương: Có một số anh chị khi cả hai vợ chồng làm cùng doanh nghiệp hay có sự trục trặc trong quan điểm hoặc có sự va chạm. Tuy nhiên chúng tôi cùng chung mục tiêu, cùng chung chí hướng; luôn nhìn vào điểm tốt của nhau, biết lắng nghe và học hỏi, cùng quan tâm và chia sẻ, biết ghi nhận công sức của nhau nên cơ bản đang rất thuận.
Theo tôi sự ghi nhận công sức của nhau là rất quan trọng. Trong cuộc sống gia đình hay trong doanh nghiệp, nếu ghi nhận sự cố gắng của nhau thì mọi việc sẽ trở nên rất nhẹ nhàng, ai cũng sẽ sẵn sàng lăn xả vì gia đình, vì công việc.
Cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết