Giá vé neo cao, hành khách e ngại
Năm nay, lịch nghỉ tết Nguyên đán 2024 sẽ kéo dài 7 ngày từ 8/2 đến hết ngày 14/2/2024 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ tết Nguyên đán, các hãng hàng không trong nước đã mở bán vé từ sớm. Tuy nhiên, giá vé máy bay lại khá cao.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, khoảng 3 triệu vé máy bay tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã được mở bán trên tất cả các kênh phân phối, từ website, ứng dụng di động, đến các phòng vé và đại lý chính thức cho ngày bay từ 25/1 đến 24/2/2024 (tức 15 tháng chạp năm Quý Mão đến 15 tháng giêng năm Giáp Thìn).
Trong tổng số 3 triệu vé máy bay Tết cung ứng trên toàn mạng bay nội địa, quốc tế (xấp xỉ 15.000 chuyến bay) có 2 triệu vé nội địa (10.300 chuyến bay), 1 triệu vé quốc tế (4.650 chuyến bay).
Đại diện Vietnam Airlines cũng cho hay, căn cứ nhu cầu cầu hành khách, hãng tập trung tăng chuyến trên các đường bay nội địa kết nối 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành phố: Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam, Pleiku, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc…
Tương tự, khách hàng của Vietjet cũng đã có thể mua vé máy bay dịp Tết trên các đường bay Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Lạt, Phú Yên, Nha Trang, Phú Quốc…với tổng cộng hơn 2,5 triệu ghế.
Số vé mà Bamboo Airways, Vietravel Airlines mở bán ra thị trường cũng dao động trong khoảng từ 700.000 đến 1 triệu chỗ trên toàn mạng bay.
Theo khảo sát trên các website bán vé của các hãng bay, giá vé máy bay khứ hồi cho chặng từ Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội đi vào ngày 8/2 và chiều vào ngày 14/2/2024 của Vietnam Airlines, Bamboo Airways có mức giá khoảng 7 triệu đồng. Tương tự, cùng chặng này, Vietjet đang mở bán giá 6,37 triệu đồng.
Giá vé khứ hồi chặng đi ngày 9/2/2024 (tức chiều 30 Tết) và chặng về ngày 16/2/2024 (mùng 7 Tết) từ Thành phố Hồ Chí Minh - Vinh (Nghệ An) của VietJet Air là 5,63 triệu đồng; Bamboo Airways có giá 7,1 triệu đồng và Vietnam Airlines là 9,92 triệu đồng.
Giá vé máy bay cao ngất ngưởng khiến nhiều công nhân, người lao động phải đắn đo khi đặt vé về quê ăn Tết. Chị Nguyễn Thị Mỹ Phú, công nhân, trú Bình Dương cho biết, từ đầu năm, chị đã chủ động chi tiêu tiết kiệm để gom góp kinh phí để về quê Nam Định nhưng khi khảo sát giá vé máy bay chặng Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội có giá từ hơn 5 triệu đến 10 triệu/người/vé khứ hồi, mong muốn về quê của gia đình chị Phú như bị dập tắt.
“Nếu cả gia đình 3 người cùng đi, phải bỏ ra ít nhất là 17 triệu đồng, cộng với chi phí di chuyển từ Bình Dương lên sân bay Tân Sơn Nhất, rồi từ sân bay Nội Bài về Nam Định lên đến cả triệu đồng. Bên cạnh đó, về thăm gia đình chẳng lẽ về tay không, nên có lẽ năm nay chúng tôi phải lỡ hẹn về quê với gia đình”, chị Phú than thở.
Hãng hàng không vẫn gặp khó
Nói về việc số lượng vé còn nhiều nhưng giá vẫn cao ngất trong thời gian dài, các hãng hàng không cho biết, trong cơ cấu giá, nhiên liệu thường chiếm tới 25 - 28% chi phí khai thác.
Theo đại diện Vietnam Airlines cho hay, năm 2023, giá nhiên liệu bay được xây dựng khoảng 112 USD/thùng. Giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỷ đồng.
Qua so sánh, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%, từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023.
Với diễn biến này, theo tính toán của Vietnam Airlines chi phí nhiên liệu của Hãng năm 2023 sẽ tăng so với 2019 ở mức trên 6.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngoài chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% là chi phí bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VNĐ. Vì vậy, những biến động tỷ giá giữa USD và VNĐ được các hãng hàng không thừa nhận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên độ lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không.
Trong khi đó, đại diện Vietravel Airlines khẳng định hiện các hãng hàng không đã gần như kiệt quệ tài chính khi đang gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua.
“Các hãng hàng không đang trong tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí nên việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về với đi tàu hỏa, xe khách là điều không tưởng,” đại diện Vietravel Airlines nói.
Báo cáo quý 4/2023 của Cục Hàng không Việt Nam dẫn số liệu từ nghiên cứu của Cơ quan Thống kê về giá tiêu dùng Mỹ cho thấy về tổng thể, giá vé máy bay trên phạm vi toàn cầu hiện đang cao hơn 15% - 17% so năm 2022, do các chi phí đầu vào tăng cao.
Hiện các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không trên thế giới đang phải đối mặt với việc tăng chi phí khai thác. Do giá nhiên liệu tăng, tỉ giá hối đoái biến động (70% chi phí khai thác vận tải hàng không là thanh toán bằng ngoại tệ).
Trong khi đó, bán vé tại Việt Nam là tiền đồng, nên mặc dù thị trường vận tải hàng không đã dần hồi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19 nhưng các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa thể có lãi. Nguyên nhân chính là giá vé máy bay chưa đủ chi phí và hãng hàng không khó có thể giảm giá vé khi phải cân đối thu chi.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, so sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng hàng không các nước trong khu vực thì mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa Việt Nam theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Để giá vé máy bay dịp tết Nguyên đán ở mức hợp lý, song song với các giải pháp bảo đảm năng lực vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ phối hợp, tăng cường năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết