Tăng sản lượng, đón đầu nhu cầu
Theo dự báo của Bộ Công thương, dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có thể tăng hơn 10%, do đó, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được nhiều doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10% đến 25% so cùng kỳ.
Đồng thời, Bộ giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung hàng hóa, tổ chức tốt các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn thị trường, góp phần đưa hàng hóa đến tay người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, biến động lớn về giá.
Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 12/2023 diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2023 ước đạt 565,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước.
Bộ Công Thương đánh giá, tình hình thị trường trong nước tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa luôn được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm 2022 và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực từ sớm cùng với Chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong những năm gần đây, nhận thức về thị trường trong nước của các doanh nghiệp và các nhà quản lý đã thay đổi cơ bản. Theo đó, thị trường nội địa không còn chỉ như một giải pháp thay thế khi xuất khẩu gặp khó khăn. Trái lại, thương mại trong nước đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.
Đồng thời, cùng với xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại nội địa đã tạo thành "chân kiềng" có tính bổ trợ vững chắc, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương cũng như của cả nền kinh tế đất nước.
Kỳ vọng vào sức mua của thị trường
Theo ghi nhận tại một số chợ và hệ thống các siêu thị lớn như: Co.op Mart, BigC, Go!, Aeon,... nhìn chung, tình hình thị trường tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm. Hàng hóa cũng khá phong phú, tập trung vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán với mức giá cả bình ổn, sức mua của người tiêu dùng đã bắt đầu tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, nhiều hệ thống bán lẻ đều đang “nín thở” trông chờ vào sức mua của thị trường trong hai tuần trước Tết.
Bởi điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất là biến động thị trường từ khi thực tế nhu cầu mua sắm dịp cuối năm và Tết Dương lịch vừa qua chỉ tăng 10-15% so ngày thường. Do đó, các nhà sản xuất và phân phối sẽ phải đẩy mạnh thêm nhiều chương trình khuyến mãi, thậm chí buộc giảm lợi nhuận với một số nhóm hàng để bảo đảm kế hoạch tiêu thụ đã đề ra trước đó.
Hiện hơn 3.600 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/WIN trên toàn quốc thuộc chuỗi hệ thống bán lẻ WinCommerce đang liên tục triển khai các chương trình “giá tốt”, mang sản phẩm chất lượng với giá thành phải chăng tới người tiêu dùng. Chương trình ưu đãi hiện đang góp phần thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày tới mua sắm tại chuỗi bán lẻ. Trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng sẽ có cơ hội mua sắm giảm giá lên đến 50%; mua 2 tặng 1,...
Ngoài ra, hệ thống vẫn đồng thời triển khai chương trình Hội viên WIN tiết kiệm 20% các sản phẩm từ WinEco và MEATDeli và các chương trình khuyến mãi định kỳ nhằm kích cầu mua sắm cuối năm, bảo đảm cung ứng đa dạng hàng hóa chất lượng với giá hợp lý hơn.
Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết cũng như thực hiện đồng bộ và hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Quyền Giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% đến 25%, tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023. Đồng thời, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.
Với thị trường TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10 nghìn tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản,... với chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng sẽ dành khoảng 9.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ngắn hạn 4-6%/năm để các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn thị trường tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, từ đó có thể giảm giá thành hàng hóa trong dịp Tết.
Với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tăng so với năm ngoái, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại, cho nên sẽ không có nhiều biến động.
Để tăng sức mua của người dân, Bộ Công thương đang phối hợp các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết, triển khai đồng bộ hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm đối với hàng hóa, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, đường cát, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm tươi sống,... tránh xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá, tạo tâm lý ổn định cho người dân đón Tết vui tươi, đầm ấm.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết