Tôm, cá rớt giá
Theo nhiều hộ dân nuôi cá tra nguyên liệu tại các tỉnh, thành ở miền Tây… từ đầu năm 2023, tình hình thủy sản nói chung và cá tra nói riêng có dấu hiệu chững lại. Hiện, giá cá tra nguyên liệu chỉ còn 27.500 - 28.500 đồng/kg, với giá này người nuôi cầm chắc lỗ.
Nông dân nuôi cá tra ở An Giang gặp khó do giá cá thấp, nhưng chi phí nuôi tăng cao.
Theo người dân, gần đây người nuôi cá tra đối diện với nhiều bất lợi như giá thức ăn liên tục tăng và chất lượng thấp. Giá cá giống cũng tăng từ 26.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg do nguồn giống khan hiếm bởi tỉ lệ ương cá giống đạt thấp; môi trường nước thay đổi do những tác động của biến đổi khí hậu… khiến cho việc nuôi cá tra hiện nay kéo dài thời gian lên khoảng 11 tháng/vụ (trước đó thông thường khoảng 6 tháng/vụ), từ đó đẩy chi phí giá thành lên từ 29.000 - 30.000 đồng/kg cá thương phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Bình - ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho hay, mấy ao cá của gia đình nuôi cả năm nay và đã tới kỳ thu hoạch với sản lượng ước từ 600 - 700 tấn nhưng chưa bán được. “Chi phí tôi đầu tư ngót nghét gần 20 tỷ đồng, giá cá sụt giảm thì người nuôi như tôi lãnh đủ, tình hình này kéo dài sẽ rất khốn khó”, ông Bình lo lắng.
Theo ông Võ Văn Nhựt - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành cho biết, HTX hiện còn hơn 5.000 tấn cá tra của 16 xã viên chưa tiêu thụ được. HTX đang hối thúc các doanh nghiệp từng có hợp tác với đẩy nhanh tiến độ thu mua nhằm giúp bà con giảm lỗ, thế nhưng các doanh nghiệp này cũng chưa thể thu mua thêm nữa, do tình hình xuất khẩu khó khăn…
“Hiện cá tra tới kỳ thu hoạch, thậm chí nhiều ao cá đã vượt 1,2- 1,3 kg/con nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp mua khiến người nuôi phải cho ăn cầm chừng. Có hộ chấp nhận bán lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg và chỉ nhận được 50% tiền mặt, 50% còn lại thì nhận bằng thức ăn”, đa số bà con nuôi cá tra nguyên liệu trong vùng đều nhận định.
Nông dân thu hoạch tôm nuôi ở Sóc Trăng trong thời điểm giá bán không cao.
Không riêng gì cá tra, nhiều hộ dân nuôi tôm ở Bến Tre cũng gặp khó khăn vì tôm giá sụt khá nhiều so các năm trước. Ông Lê Văn Kỳ - ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại cho biết, hiện giá tôm thẻ loại 100 con/kg sụt giảm còn khoảng 80.000 đồng/kg, loại 50 con/kg còn hơn 95.000 đồng/kg; còn tôm sú loại 100 con/kg giá có hơn 95.000 đồng/kg, loại 50 con/kg khoảng 130.000 đồng/kg…
“So với năm trước thì giá năm nay giảm rất nhiều, tỷ lệ hao hụt lại tăng, cộng với giá thức ăn cao… khiến người nuôi tôm như chúng tôi thiệt trăm bề”, ông Kỳ than.
Cùng chung số phận với người nuôi tôm, cá, các doanh nghiệp xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng gặp khó, một doanh nghiệp thủy sản ở Đồng Tháp tiết lộ, do thiếu đơn hàng nên công ty phải cắt giảm công suất hoạt động 30- 40%, đây là tình thế bắt buộc đành phải chịu.
Ông Võ Văn Phục - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát cao, nên người dân nhiều nước hạn chế tiêu dùng là việc khó tránh khỏi. “Song song đó, các sản phẩm thủy sản thế mạnh của ĐBSCL, nhất là con tôm còn phải cạnh với nguồn nguyên liệu giá thấp của các nước Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… làm cho việc xuất khẩu khó trăm bề”, ông Phục nói.
Nói về việc cá tra giảm giá, ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến giá cá tra giảm là tác động của thị trường xuất khẩu bị chậm. Cụ thể, những thị trường trọng điểm của cá tra nước ta như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đều rơi vào trạng thái trầm lắng. Đồng thời, lượng hàng tồn kho của một số thị trường vẫn còn nhiều khiến tốc độ tiêu thụ không như kỳ vọng…
Tập trung gỡ khó
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 chỉ đạt 810 triệu USD, tiếp tục giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu cá tra chỉ đạt chưa đầy 600 triệu USD (giảm 46%), xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD (giảm 44%), so với cùng kỳ.
“Xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ vẫn gặp khó khăn do nhu cầu của thị trường thế giới. Trong bối cảnh thị trường sâu lắng, sụt giảm đáng kể trong thời gian qua và các dự báo khá ảm đạm về thị trường xuất khẩu trong năm 2023”, VASEP nhận định.
Ngành chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về thị trường.
Theo VASEP, tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản năm 2023” diễn ra sáng 13/4 vừa qua, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông dân, ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Đồng thời, đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho rằng, từ cuối năm 2022 và nhất là 3 tháng đầu năm 2023, do tác động của nhiều khó khăn chung khiến việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản giảm nhiều so cùng kỳ. Trong đó, tại các thị trường lớn, truyền thống, như Mỹ, EU… số lượng đơn hàng giảm mạnh.
“Cuối năm 2022, khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 11 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay thì toàn ngành rất vui nhưng cũng lường trước nhiều khó khăn của năm 2023 bởi những tác động của tình hình thế giới và các yếu tố bất lợi khác. Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn nhằm cố gắng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Hiện nay, bộ cũng đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, để hoàn thành chỉ tiêu đề ra”, ông Tiến nhận định.
Một trong những công đoạn chế biến cá tra xuất khẩu.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), năm 2023, doanh nghiệp đưa ra kế hoạch doanh thu đạt 5.900 tỷ đồng, tuy nhiên trong quý 1/2023 doanh thu thuần đạt 1.008 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ… Để phát triển bền vững ngành tôm, ông Lực đề xuất, cần tăng cường kiểm soát tôm giống bằng cách chuẩn hóa cơ sở sản xuất, năng lực cung ứng tôm giống nhằm duy trì chất lượng tôm giống đồng đều, hạn chế rủi ro cho người nuôi.
“Cần thấy rằng ở Ecuador và Thái Lan họ có số lượng đơn vị sản xuất giống tính trên đầu ngón tay nên quản lý thuận lợi. Còn chúng ta có trên 2.000 cơ sở sản xuất giống nên khó quản lý, vì vậy thời gian qua tôm giống trôi nổi, giá rẻ, chất lượng thấp bán tràn lan khiến tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành tôm nuôi tăng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trọng điểm về thủy lợi, điện, đường. Đồng thời, tăng cường diện tích nuôi tôm đạt chuẩn ASC, hiện còn quá thấp, chưa tới 1% diện tích nuôi so với Ecuador là 20%, nên tôm của họ chiếm lĩnh thị trường EU, nơi yêu cầu chuẩn này rất phổ biến”, ông Lực nêu quan điểm.
Liên quan đến những khó khăn về xuất khẩu thủy sản, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch VASEP kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành quan tâm xem xét giảm thuế khi nhập khẩu các nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản, như đậu nành từ 2% về 0%, góp phần giảm chi phí đầu vào cho người nuôi cá.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng nhìn nhận, khi được ngành chức năng đồng ý giảm thuế sẽ tác động rất lớn đến giảm giá thành chăn nuôi, bởi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất. “Một khi giảm được chi phí giá thành, mới giúp chúng ta tăng sức cạnh tranh với các nước khác trên thế giới…”, ông Đạo lý giải.
Có thể nói, với những tháo gỡ cấp bách trên, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ khôi phục lại thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian sớm nhất.
Trước những khó khăn trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản. Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi; tăng cường kiểm tra việc thực thi pháp luật, bảo đảm thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu; cần hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên bao gồm thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản tiếp cận vốn tín dụng phục vụ kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông dân… |
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết