Báo cáo thường niên được thực hiện thông qua kết quả của các câu hỏi khảo sát về tình trạng đe dọa của hàng hóa nhập khẩu gửi đến các Hiệp hội thành viên trực thuộc và các Hiệp hội thành viên sẽ gửi cho các nhà sản xuất thành viên để điền vào câu trả lời và gửi đến Hội thảo.
Theo CNFI, tính đến ngày 9/6 năm nay, tổng số 120 báo cáo đã được trả về có 85 báo cáo cho thấy có mối đe dọa từ hàng hóa nhập khẩu (chiếm 70,83%) vào Đài Loan - Trung Quốc uy hiếp thị trường nội địa.
Trong 85 báo cáo phản hồi, nếu xét theo lĩnh vực ngành hàng cụ thể: Ngành kim loại có báo cáo phản ánh là ngành hàng bị hàng hóa nhập khẩu uy hiếp nhiều nhất, chiếm 34,2%; Ngành vật liệu xây dựng chiếm 32,5%; Ngành công nghiệp hóa chất và chất dẻo chiếm 12,8%.
Cũng trong các báo cáo của CNFI, trong 104 mặt hàng mặt hàng nhập khẩu được cho là đe dọa tới sản xuất nội địa, thép là mặt hàng có số lượng báo cáo phản ánh nhiều nhất chiếm 17,2%, tiếp theo là các sản phẩm bằng đá, xi măng, amiăng, mica hoặc các vật liệu tương tự chiếm 10,1%; thứ ba là quần áo và các phụ kiện quần áo dệt kim hoặc móc chiếm 8,1%. Để lý giải cho việc thép là mặt hàng có lượng báo cáo phản ánh nhiều nhất cũng như là mặt hàng bị đe dọa nhiều nhất có một số nguyên nhân như: do trật tự thương mại tự do toàn cầu có những thay đổi lớn, nhiều quốc gia liên tiếp thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành thép trong nước. Do đó, thép giá rẻ được sản xuất dưới năng lực sản xuất dư thừa đang tràn lan, từ đó gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành thép của Đài Loan-Trung Quốc. Đối với các sản phẩm quần áo dệt kim hoặc móc và phụ kiện quần áo mới được bổ sung trong năm nay, các doanh nghiệp Đài Loan-Trung Quốc trong ngành này phản ánh rằng để khuyến khích xuất khẩu, Trung Quốc đại lục đã thực hiện điều chỉnh thuận lợi hóa các chính sách xuất nhập cảnh, điều này đã nhanh chóng khôi phục các kênh để các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc chiếm được nhiều hơn các đơn đặt hàng ở nước ngoài.
Trong khi đó, nếu xét theo đối tác xuất khẩu, các báo cáo cho thấy, các sản phẩm bị đe dọa nhiều nhất đến từ Trung Quốc đại lục, chiếm 66,4%; kế đến là Hàn Quốc chiếm 8,4%; Thái Lan chiếm 6,7%; In-đô-nê-xi-a chiếm 5%; Ba-ranh, Ấn Độ và Ma-lai-xi-a cùng chiếm 2,5%; Nhật Bản, Ả Rập Xê-út và Việt Nam cùng chiếm 1,7%; và Thụy Điển chiếm 0,8%. Trong số đó, năm nay, tỷ lệ các báo cáo phản hồi cho thấy các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục là mối đe dọa đối với các ngành công nghiệp Đài Loan đã tăng lên đáng kể gần 30% so với mức 37,9% của năm ngoái.
Về biện pháp ứng phó, báo cáo của CNFI cho biết ba biện pháp hàng đầu và hữu ích nhất đối với việc nhập khẩu các sản phẩm bị đe dọa là: áp dụng thuế chống bán phá giá, chiếm 77,40%, thực hiện các biện pháp có tác động đến nhập khẩu, chiếm 56,40%, và Hải quan tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, chiếm 45,10%.
Các thông tin liên quan đến Việt Nam
Theo báo cáo của CNFI, các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,7% tổng số các báo cáo phản ánh, thấp hơn nhiều so với mức 14,6% của năm ngoái. Các vụ việc cụ thể gồm:
Đối với sản phẩm sắt thép, các sản phẩm thép trong báo cáo năm nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Ba-ranh, trong đó những lý do đe dọa sản phẩm của Đài Loan: (1) Sản phẩm nhập khẩu được bán với giá thấp ở Đài Loan, (2) Chính sách hoàn thuế của nước nhập khẩu, (3) Sản phẩm nhập khẩu được tái xuất từ quốc gia khác.
Các sản phẩm đồ đựng bằng tôn tráng thiếc khác có dung tích dưới 50 lít (mã CCC code 73102910006) nhập khẩu từ Việt Nam bị phía Đài Loan-Trung Quốc cáo buộc sản phẩm nhập khẩu được tái xuất từ quốc gia khác. Do Đài Loan-Trung Quốc không hạn chế nhập khẩu các sản phẩm tôn tráng thiếc của Việt Nam nên kẽ hở này được sử dụng để nhập khẩu lon rỗng tráng thiếc sản xuất tại Trung Quốc đại lục sang Đài Loan-Trung Quốc với xuất xứ là Việt Nam, bán với giá thành thấp hơn so với giá thị trường tại Đài Loan, cạnh tranh bằng giá thấp.
Đối với sản phẩm kính thủy tinh, theo các nhà sản xuất kính Đài Loan-Trung Quốc, mặt hàng này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, Ai Cập và Việt Nam, trong đó những lý do đe dọa sản phẩm của Đài Loan: (1) Sản phẩm chưa đạt chứng nhận sản phẩm; (2) Sản phẩm chất lượng thấp giá rẻ cạnh tranh với giá thấp tại Đài Loan.
Các sản phẩm kính dán an toàn, có kích thước và hình dạng để sử dụng trong xe cộ, máy bay, tàu vũ trụ hoặc tàu thủy (có mã CCC code 70072100004) nhập khẩu từ Việt Nam bị phía Đài Loan-Trung Quốc phản ánh là sản phẩm chưa đạt chứng nhận sản phẩm.
Đối với sản phẩm xi măng, Báo cáo của CNFI cho thấy, các sản phẩm xi măng có mã CCC code 25231090003 (clinker xi măng khác) nhập khẩu từ Việt Nam nằm trong Danh sách các sản phẩm uy hiếp thị trường nội địa song không nêu rõ nguyên nhân. Trước đó, trong báo cáo năm 2022, phía Đài Loan-Trung Quốc cho rằng sản phẩm này nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đã bán giá thấp hơn mức 150-200 Đài tệ / tấn so với các nhà sản xuất nội địa để chiếm lĩnh thị trường và việc nhập hàng rời từ 03 đối tác này cập cảng bốc dỡ lộ thiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng chi phí xã hội. Đồng thời đề nghị chính quyền Đài Loan-Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với các nhà nhập khẩu cạnh tranh với giá thấp; yêu cầu các nhà nhập khẩu sử dụng tàu chở hàng rời đặc biệt để giảm ô nhiễm; tiến hành kiểm tra việc dỡ hàng phát thải bụi và loại bỏ thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn; tăng cường kiểm tra chất lượng, nhãn mác đối với xi măng nhập khẩu, tăng mức xử phạt đối với các sản phẩm không đạt chất lượng; đồng thời yêu cầu Cơ quan Quản lý thuế kiểm tra nghiêm việc trốn thuế hàng hóa.
Như vậy, theo điều tra của CNFI, các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam uy hiếp thị trường Đài Loan năm nay đã giảm mạnh chỉ còn 03 nhóm mặt hàng so với 19 nhóm mặt hàng năm 2022. Ngoài vụ việc liên quan tới mặt hàng sắt thép được nêu đích danh tên doanh nghiệp, 02 nhóm mặt hàng còn lại vẫn là các sản phẩm đã được nêu trong các báo cáo trước và với khuyến nghị tương đồng.
Khuyến nghị
Trên cơ sở thông tin từ Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu các sản phẩm như thép, kính thủy tinh, xi măng rà soát lại các hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang Đài Loan - Trung Quốc và theo dõi chặt chẽ các động thái của thị trường để kịp thời xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp cần thiết.
PV.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết