Chuyên mục

Công nghệ số hóa và đám mây: Yếu tố cốt lõi cho bản sắc Techcombank

Hành trình chuyển đổi số hóa dữ liệu lên cloud là bước ngoặt để biến đổi một tổ chức truyền thống, với tốc độ tăng trưởng theo cấp số cộng, sang một mô hình kinh doanh linh hoạt được dẫn dắt bởi công nghệ,...

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu đến quý độc giả cuộc trò chuyện với ông Alex Macaire về vấn đề này.

* Techcombank là ngân hàng tiên phong thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi dữ liệu lên đám mây (cloud). Trên cương vị là giám đốc Khối Tài chính Kế hoạch, ông có những chia sẻ gì về hành trình này? 

- Tiên phong chuyển đổi số được xác lập ngay trong tầm nhìn chiến lược của Techcombank. Tầm nhìn này được chúng tôi hiện thực hóa, thông qua các chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột, gồm: “Số hóa - Dữ liệu - Nhân tài”. Trong đó tích hợp lên đám mây đóng vai trò bước ngoặt.

Tiền tố của Techcombank bắt đầu bằng “Tech - Công nghệ”. Trong suốt 30 năm hoạt động, chúng tôi luôn xác lập vị trí dẫn dắt quá trình chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số của ngành tài chính. Với chi phí đầu tư cho công nghệ năm 2023 dự kiến vượt 100 triệu USD, và hơn 1.000 nhân sự đang cống hiến toàn thời gian cho lĩnh vực công nghệ, số hóa và dữ liệu tại Techcombank, có thể nói đây là nguồn lực vô cùng lớn. Tôi cho rằng, công nghệ số hóa và đám mây (cloud) không chỉ là một công cụ để đạt mục tiêu kinh doanh, mà nchính là yếu tố cốt lõi thể hiện bản sắc của Techcombank.

* Đâu là những thành tựu Techcombank đã đạt được trên hành trình chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ đám mây, thưa ông?

- Nhờ các quyết định đầu tư chiến lược cho số hóa - dữ liệu, chúng tôi đã chuyển đổi thành công 43 hệ thống dữ liệu lên cloud trong năm qua. Cùng với đó, 10 nền tảng mới từ những công ty hàng đầu thế giới được tích hợp vào hệ thống cloud của ngân hàng, và khá nhiều trong số đó là nhữngnền tảng lần đầu tiên có mặt trên cloud trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Tại Techcombank, chúng tôi áp dụng "cloud first" trong mọi sáng kiến chiến lược và hoạt động, rút ngắn thời gian triển khai. Từ "hồ dữ liệu" trên đám mây, chúng tôi đã xây dựng và tiếp tục tinh chỉnh "bộ não dữ liệu" cho toàn hàng, từ đó chúng tôi có thể chủ động nâng cao khả năng phê duyệt các khoản vay không tài sản bảo đảm, mà vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, đặc biệt là đối với các khách hàng cá nhân cao cấp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nó là chìa khóa giúp Techcombank dịch chuyển cách thức hoạt động, từ chỉ cung cấp những gì khách hàng yêu cầu, sang chủ động dự đoán nhu cầu và cung ứng giải pháp ngay cả trước khi khách hàng nghĩ đến điều đó. Chúng tôi chỉ có thể làm được điều này, nhờ quy trình bảo mật an ninh mạng cao nhất dựa trên nền tảng bảo mật cloud của tập đoàn hàng đầu thế giới Amazon, và các cơ chế quản trị nội tại chặt chẽ.

ông Alex Macaire - Giám đốc Khối Tài chính kế hoạch, ngân hàng Techcombank

Ông Alex Macaire - Giám đốc Khối Tài chính kế hoạch Techcombank

Chúng tôi đã xây dựng quy trình phát hành thẻ tín dụng hoàn toàn tự động trên cloud, và giảm thời gian phê duyệt từ vài ngày xuống chỉ còn vài giây ngay khi khách hàng hoàn tất đăng ký. Thời gian chuẩn bị để triển khai một hoạt động mới của chúng tôi đã giảm rõ rệt, giúp cho một chiến dịch hoặc sáng kiến trước đây có thể tốn tới hàng tuần để triển khai, giờ đây có thể bắt đầu ngay lập tức trong vài ngày.

Bộ phận công nghệ thông tin đang vận hành với năng suất được cải thiện hơn rất nhiều và thu nhập hoạt động trên mỗi nhân viên của chúng tôi đã tăng 40% kể từ năm 2020.

* Chuyển đổi số giúp tạo ra đột phá về tư duy và cách vận hành của ngân hàng, song để hiện thực hóa thì cần cán bộ nhân viên phải thay đổi tương ứng về tư duy và cách làm việc. Điều đó được thể hiện như thế nào ở nhân lực của Khối Tài chính, thưa ông?

- Sự thay đổi về mặt tư duy là rất quan trọng, bởi tựu chung, chính đội ngũ nhân sự Techcombank là nhân tố kiến tạo nên quá trình chuyển đổi của ngân hàng. Câu nói “bạn không biết những gì bạn không biết” đã được chính chúng tôi trải nghiệm, và từ đó phát hiện ra rằng, không có mô hình phù hợp với tất cả. Do đó, chúng tôi không ngừng nâng cao kỹ năng cho toàn bộ đội ngũ, thúc đẩy quan hệ đối tác nội bộ mới trong toàn ngân hàng, ví dụ như giữa bộ phận Tài chính Kế hoạch và Công nghệ thông tin.

Ở Khối Tài chính Kế hoạch, các thành viên tham gia các chương trình tăng cường kỹ năng, các khóa học kỹ thuật số, và rất nhiều hoạt động đào tạo online và offline khác. Chúng tôi cung cấp những khóa học về chi phí Cloud, cách tính phí dịch vụ và cách xác định các điểm rơi/vùng trũng có thể cắt giảm chi phí cho toàn hàng. Bởi, một quyết định chưa thấu đáo được đưa ra liên quan đến kế hoạch thử nghiệm, có thể khiến ngân hàng tiêu tốn hàng chục nghìn đô la. Do đó, điều quan trọng là tạo ra nhận thức và thúc đẩy một tư duy phù hợp trong toàn bộ tổ chức.

* Theo ông, việc chuyển đổi mô hình chi tiêu cho công nghệ thông tin “là đầu tư tài sản cố định”, sang “là chi tiêu theo nhu cầu sử dụng” tác động như thế nào đến các chỉ số của ngân hàng?

- Việc vốn hóa các chi phí công nghệ thông tin (tức chi cho tài sản cố định) là điều không thể tránh khỏi. Các hệ thống công nghệ thông tin tương đối đắt tiền, và nói chung, cách duy nhất có thể tạo ra sự ổn định trong kết quả kinh doanh là thông qua vốn hóa các chi phí và khấu hao dần trong các năm tiếp theo.

Khi đã chuyển đổi lên cloud, một điều vô cùng thú vị là chúng ta không cần phải chi một khoản khổng lồ để sẵn sàng hạ tầng cho các nhu cầu trong tương lai, mà có thể trả tiền theo đúng nhu cầu sử dụng thực tế. Quá trình này điễn ra linh hoạt và bạn không còn phải lo lắng nhiều về tỷ lệ chi phí trên thu nhập của mình nữa.

Nhưng, đây là một quá trình dài hạn và có thể sẽ không nhìn thấy kết quả ngay lập tức. Sẽ có một khoảng thời gian quá độ khi ngân hàng phải đồng thời chi trả cho các dịch vụ cloud mới, trong khi vẫn khấu hao hạ tầng công nghệ trước đây.

Đây là điều mà chúng tôi đang quản trị, và cũng là động lực để chúng tôi hoàn thành quá trình chuyển đổi sớm nhất có thể. Điều quan trọng là tính linh hoạt của hệ thống sẽ mang đến lợi thế to lớn, và sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi ban đầu, chúng tôi có thể tận dụng lợi ích lâu dài của cloud để tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn nhiều lần.

Chuyển đổi là quá trình dài hạn, cần hiểu rõ “mục tiêu kỳ vọng đạt được”

Chuyển đổi là quá trình dài hạn, cần hiểu rõ “mục tiêu kỳ vọng đạt được”

* Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm đúc kết cho một CFOk hi bắt đầu hành trình chuyển đổi lên cloud?

- Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ về “mục tiêu kỳ vọng đạt được”. Cái giá phải trả cho những nỗ lực chuyển đổi một cách nửa vời thường đắt gấp đôi so với khi bạn làm nó đúng cách. Ngay từ đầu, bạn phải truyền đạt tầm nhìn một cách rõ ràng cho nhân viên ở mọi cấp độ, và cung cấp những công cụ cần thiết để họ đạt được mục tiêu này.

Mối quan hệ hợp tác giữa khối tài chính và công nghệ thông tin rất quan trọng, vì nó không chỉ tối ưu hóa chuyên môn hợp nhất, mà còn khuyến khích sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kiến thức trên toàn ngân hàng một cách rộng rãi hơn.

Cùng với đó, phải thực hiện các khoản đầu tư cần thiết, đặc biệt đối với chức năng FinOps (Financial Operations - cách tiếp cận quản lý chi phí đám mây dựa trên các nguyên tắc hoạt động tài chính), và phải có đủ khả năng giám sát việc sử dụng và nhu cầu trên các dịch vụ cloud. Điều này bao gồm cả việc thực hiện các khoản đầu tư cần thiết vào con người, vì, sự thiếu hụt về kỹ năng, ở bất kỳ cấp độ nào, là một trong những mối đe dọa chính đối với việc chuyển đổi cloud, hay bất kỳ thay đổi lớn nào trong tổ chức.

Điều quan trọng nhất là nhận ra hành trình này xoay quanh việc chuyển đổi từ một tổ chức truyền thống, với tốc độ tăng trưởng theo cấp số cộng, sang một mô hình kinh doanh linh hoạt được dẫn dắt bởi công nghệ, với tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân. Đây là một sự thay đổi tư duy triệt để, và là cơ hội cho tất cả những ai tham gia vào quá trình tái định hình mô hình tài chính ngân hàng này.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Sài Gòn.



Bình luận - Thảo luận