Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022 (Hanoi Agriculture Fair 2022). Đây là sự kiện nhằm tiếp tục triển khai Biên bản hợp tác đã ký kết giữa Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn AEON Nhật Bản, hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025; trong bối cảnh Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Lê Văn Nghị, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các Sở ngành thành phố Hà Nội, thành viên liên minh HTX của 18 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn, Ninh Bình, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nam Định, Hòa Bình, Hà Nam, Nghệ An, Hải Dương, Tuyên Quang, Thái Bình); Các doanh nghiệp, nhà phân phối, siêu thị, các Sàn Thương mại điện tử…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội chia sẻ, từ nhiều năm nay, Thường trực Liên minh HTX Thành phố luôn trăn trở giải đáp một bài toán khó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thành viên. Đó là làm sao để xây dựng các chuỗi giá trị, kết nối từ khâu sản xuất đến phân phối - tiêu thụ sản phẩm, rút ngắn khoảng cách giữa nhà tiêu thụ và nhà sản xuất, qua đó thúc đẩy phát triển nguồn cung cấp cũng như tìm đầu ra cho các sản phẩm có chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Do đó, hàng năm Liên minh HTX Thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX thành viên có hiệu quả như tư vấn, kết nối và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thành viên trên toàn Thành phố qua các Hội nghị, Hội chợ, Đoàn công tác, Diễn đàn... Qua đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ thị trường; nhiều hợp tác xã đã đạt được những thỏa thuận, ký kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp trên cả nước với hàng trăm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thịt cá, rau củ quả các loại, các sản phẩm thực phẩm chế biến an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng với các đại lý phân phối, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, các hệ thống siêu thị như Saigon Coop, Lotte, Winmart và các bếp ăn Khu công nghiệp…)
Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Thành phố mong muốn sau Hội nghị này sẽ có thêm nhiều hợp đồng hợp tác giữa các bên trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn để cung cấp những sản phẩm ngon, đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng Thủ đô và bạn bè quốc tế.
Ông Lê Văn Nghị, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Hàng nghìn doanh nghiệp được tiếp cận với giải pháp chuyển đổi số trong kinh doanh
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới đã tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực và đang phát huy được những ưu thế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Đây là cơ hội tốt thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã từ cấp Trung ương đến địa phương.
Việc phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương cũng được xác định là một trong những phương thức phân phối mới, tạo tiền đề cho thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0, hướng sản xuất tới các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế.
Chia sẻ với các đại biểu về những khó khăn, thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản an toàn tại thị trường trong nước và nước ngoài với xu hướng mới, ông Bùi Huy Hoàng đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, được xem là một thị trường tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng liên tục cao trong khu vực. Chuyển đối số trong ngành Công Thương là một định hướng quan trọng của Bộ Công Thương thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 – 2025 và xác định tập trung vào những nhóm giải pháp đồng bộ hướng tới người dân, doanh nghiệp, địa phương là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương
Chính vì vậy, từ cuối năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai đồng loạt nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy thị trường phát triển thương mại điện tử và các giải pháp số hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử như “Ngày mua sắm trực tuyến Quốc gia Online Friday”, “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT, Chương trình Go-Online… hay các chương trình hợp tác thương mại điện tử với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế lớn để hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
PV.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết