Doanh nghiệp thiệt hại lớn nếu vi phạm EUDR
Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) vừa phối hợp với Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), tổ chức chương trình tập huấn sản xuất cà phê bền vững năm 2023 và thảo luận cơ hội, thách thức trước Dự luật Quy định chống phá rừng châu Âu (Dự luật EUDR).
Theo bà Hà Hải Quyên - Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương, để bảo đảm không có sản phẩm gây mất rừng, suy thoái rừng lên kệ hàng tại các siêu thị châu Âu, tháng 4/2023, Nghị viện châu Âu đã thông Dự luật EUDR.
Dự luật này nhằm vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ. Có hiệu lực từ tháng 5-6/2023 và tháng 12/2024 bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ với nhà vận hành. Đến tháng 6/2025 sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ. Thời hạn bắt đầu rừng bị phá và gây suy thoái để canh tác các sản phẩm được tính từ sau ngày 31/12/2020.
Dự luật cấm các công ty đưa vào thị trường EU bất kỳ hàng hóa, sản phẩm có liên quan đến nạn phá rừng (hoặc đối với gỗ: suy thoái) hoặc có nguồn gốc bất hợp pháp. Các công ty phải thực hiện thẩm định để bảo đảm sản phẩm của họ không bị phá rừng (hoặc đối với gỗ: suy thoái) và có nguồn gốc hợp pháp.
Cùng tìm giải pháp để thích ứng với quy định mới của châu Âu.
Để đưa được hàng hóa lên kệ hàng tại châu Âu, các đơn vị cung ứng phải thực hiện 3 nội dung trách nhiệm giải trình, gồm: thu thập thông tin (loại sản phẩm, số lượng, vị trí địa lý, tính hợp pháp và tình trạng phá rừng, mất rừng, suy thoái rừng).
Đánh giá rủi ro bao gồm: sự hiện diện của rừng, sự hiện diện của người bản địa; tham vấn và hợp tác với người dân bản địa; sự tồn tại của các yêu sách đất đai theo phong tục; tỷ lệ phá rừng và sự phức tạp của chuỗi cung ứng.
Giảm thiểu rủi ro (có thể yêu cầu hỗ trợ cho các hộ sản xuất nhỏ để tuân thủ quy định).
“Nếu một doanh nghiệp bị phát hiện không tuân thủ, các sản phẩm có thể bị tịch thu, công ty có thể bị từ chối tiếp cận thị trường tạm thời và/hoặc phạt tiền ít nhất 4% tổng doanh thu hàng năm của công ty trên toàn EU”, bà Hà Hải Quyên khuyến cáo.
Thách thức, cơ hội đan xen
Tại buổi thảo luận, các chuyên gia đánh giá, Lạc Dương là vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Sản phẩm cà phê Lâm Đồng xuất khẩu trên thị trường thế giới hiện nay chiếm tỷ lệ 70% thị phần sang châu Âu, châu Á 25%, châu Úc 3% và châu Phi 2%. Vì vậy việc xuất khẩu cà phê của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng lớn khi Dự luật EUDR được áp dụng.
Hiện nay, EU chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc chuẩn bị năm 2024 đi vào thực thi sẽ gặp khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ trồng cà phê nhỏ lẻ có các sản phẩm bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU.
Trong khi đó, người trồng cà phê tại Lạc Dương cho rằng, phần lớn hộ dân trồng cà phê ở địa phương có diện tích nhỏ nên khó khăn về việc truy xuất nguồn gốc trên từng mảnh vườn theo quy định mới. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để có hệ thống thông tin xác nhận nguồn gốc.
Người dân cũng lo ngại, khi giá cà phê tăng cao, đặt ra nguy cơ nhiều người muốn mở rộng trồng cà phê trên diện tích có rủi ro về phá rừng, đặc biệt là khu vực ven rừng. Điều này sẽ vi phạm quy định của Dự luật EURD, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cà phê Việt với thế giới.
Đồng thời, khi áp dụng Dự luật EURD, các nhà sản xuất cà phê phải gia tăng mức đầu tư để thực hiện các phương pháp sản xuất bền vững, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất. Trong đó thách thức lớn là thực hiện định vị các trang trại sản xuất, quản lý dữ liệu vườn trồng và nông hộ, cũng như thực hiện các hoạt động giám sát và giảm thiểu rủi ro trong những khu vực được gán nhãn rủi ro cao.
Ông Phạm Trọng Phu – Cố vấn chuỗi giá trị dự án Café-REDD, chia sẻ sự tiếp cận và phù hợp của dự án với Dự luật EUDR.
Tuy nhiên, người trồng cà phê cũng kỳ vọng, với quy định mới của châu Âu, người dân sẽ thay đổi tư duy canh tác, hướng đến sản xuất bền vững, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận… Ngành cà phê trong nước có cơ hội cải thiện quản trị, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị cà phê Việt trên trường quốc tế, mở ra triển vọng thị trường mới.
Về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, cần tuyên truyền rộng rãi quy định mới của châu Âu tới người dân. Giám sát rừng và hỗ trợ sản xuất không gây mất rừng (tập trung xây dựng bản đồ tham chiếu rừng tại mốc thời gian 31/12/2020). Khoanh vùng sản xuất và các cơ chế giám sát, bảo vệ rừng tương ứng theo các mức độ nguy cơ mất rừng (an toàn, thấp, cao); cơ chế phản hồi, hỗ trợ các khu vực nguy cơ cao bảo vệ rừng.
Xây dựng dữ liệu vườn trồng và truy xuất nguồn gốc, quan tâm xây dựng giải pháp dữ liệu định vị cho toàn bộ vườn trồng cà phê. Hệ thống truy xuất nguồn gốc vườn trồng cà phê theo mức độ rủi ro của các vùng sản xuất và các nhóm thông tin cần thiết cho từng mức rủi ro. Tổ chức, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, giữ vững thị trường.
Ông Mai Xuân Thông (ngoài cùng bên trái) – Cố vấn kỹ thuật Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP), hướng dẫn thực hành thiết kế lô trồng theo đường đồng mức trên đất dốc bằng thước chữ A.
Cũng trong đợt tập huấn kéo dài trong 2 ngày, chuyên gia của GCP và Dự án “Cà phê nông - lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng cho REDD+ ở tỉnh Lâm Đồng” (dự án Café-REDD – thuộc SNV), đã thông tin về tình hình sâu bệnh hại trên cây cà phê; thực hành xác định các sâu bệnh hại trên vườn cà phê và giải pháp phòng trừ; xác định nhu cầu dinh dưỡng cho vườn cà phê và cách phối trộn phân bón; thực hành thiết kế lô trồng theo đường đồng mức trên đất dốc bằng thước chữ A…
Chương trình được thiết kế khoa học, trực quan, vừa lý thuyết, vừa thực hành trực tiếp tại vườn, kết hợp trao đổi, thảo luận mở… đã thu hút sự tham gia tích cực của các thành viên, qua đó giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông viên các xã, thị trấn; tổ trưởng, tổ phó các tổ hợp tác cà phê trên địa bàn huyện Lạc Dương về kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết