Chuyên mục

Cô gái Nùng và giấc mơ theo đuổi nghề thợ ô tô

Một cô gái tên Đàm Thị Kết 20 tuổi dân tộc Nùng quê Lạng Sơn đã chọn cho mình một con đường “không giống ai” – con gái học sửa chữa ô tô.

Kết sinh năm 2004, là con thứ hai trong một gia đình người Nùng có hai anh em

Nép mình bên triền núi thuộc tỉnh Lạng Sơn, bản làng nơi sáng sớm sương phủ mờ lối đi và tiếng gà gáy vang vọng giữa thung lũng, Giữa những cánh rừng hồi bát ngát của một huyện vùng biên. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa lên nương, một nơi vùng biên còn nhiều khó khăn của Lạng Sơn, những đứa trẻ lớn lên chỉ biết theo cha mẹ lên nương trồng lúa, trồng rừng rồi nên vợ, gả chồng sớm hoặc thoát ly ra khỏi bản làng quê hương đến các Khu Công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang tìm kiếm cơ hội việc làm.

Trong cái lối mòn suy nghĩ đó có một cô gái tên Đàm Thị Kết 20 tuổi đã chọn cho mình một con đường “không giống ai” – con gái học sửa chữa ô tô.

Sinh ra và lớn lên ở một bản hẻo lánh của tỉnh Lạng Sơn, như bao cô gái vùng cao khác, sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô rời quê xuống Bắc Ninh làm công nhân cho một một công ty Đài Loan (Trung Quốc). “Ngày nào cũng lặp đi lặp lại, sáng vào xưởng, tối về phòng trọ, tháng nào cũng chờ lương, rồi gửi về nhà. Em thấy mình như cái máy”, Kết chia sẻ.

Đàm Thị Kết và người anh trai luôn quan tâm, ủng hộ e gái từ phía sau

Kết sinh năm 2004, là con thứ hai trong một gia đình người Nùng có hai anh em. Bố mất lúc cô lớp 12 lúc mà cô đang ấp ủ sau này được báo hiếu, mẹ cô quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Từ nhỏ, Kết đã quen với tiếng con trâu, cái cày trên nương dưới ruộng. Sau khi học xong cấp ba, Kết từng làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Giang rồi dần lên vị trí tổ trưởng truyền. Mỗi tháng gửi được vài triệu về cho gia đình, nhưng lòng cô không vui. “Em biết mình không thể cứ như vậy mãi. Em muốn làm điều gì đó khác – điều gì khiến em thực sự thấy sống, được là chính mình”, cô tâm sự.

Và rồi, quyết định táo bạo được đưa ra: đó là nghỉ làm, đăng ký học nghề sửa chữa ô tô tại trường dạy nghề Bách khoa ở Hà Nội.” Lúc đầu bản thân em cũng suy nghĩ rất nhiều”. Bà con trong bản thì ngạc nhiên, ái ngại: “Con gái sao lại đi sửa xe? Sau này ai lấy?”. Rất may là người mẹ lam lũ, tảo tần và anh trai của cô lại rất ủng hộ quyết định này của em”.

Những ngày đầu ở xưởng thực hành, Kết thừa nhận mình từng muốn bỏ cuộc

Bước vào môi trường kỹ thuật – nơi đa phần là nam giới – cô không tránh khỏi những ánh mắt tò mò, cả những hoài nghi. Những ngày đầu ở xưởng thực hành, Kết thừa nhận mình từng muốn bỏ cuộc. Không quen với mùi dầu nhớt, không đủ sức vặn những con ốc gỉ sét, và không ít lần bị trêu chọc. Nhưng cô gái bé nhỏ không lùi bước. Cô học cách ghi chép tỉ mỉ, tranh thủ thời gian rảnh để xem video hướng dẫn, tự mày mò thêm trong sách vở. Nhưng chính sự chăm chỉ, cần mẫn đã giúp Kết từng bước khẳng định mình. Từ việc học sử dụng máy đọc lỗi ô tô, đến tháo lắp, kiểm tra các chi tiết điện tử – mỗi thao tác là một nấc thang để cô tiến gần hơn tới ước mơ của mình.

Không chỉ dừng lại ở việc học nghề, Kết đã vạch sẵn kế hoạch dài hơi cho tương lai: Trở về quê hương, mở một gara chuyên sửa chữa xe điện – dòng xe đang trở thành xu hướng của thời đại. “Em muốn bản làng của mình sau này không còn xa lạ với công nghệ xanh. Muốn trẻ con trong bản có thể nhìn thấy một người chị đã bước ra ngoài, học được nghề, quay về và làm được điều gì đó có ích”.

Kết là hình ảnh cho một thế hệ mới – nơi giới tính không định hình năng lực, và ước mơ không bị bó buộc bởi định kiến

Câu chuyện của Kết không ồn ào, không hào nhoáng. Nhưng đó là một câu chuyện đẹp – về một cô gái dám rẽ lối, dám làm điều trái với khuôn mẫu để đi theo tiếng gọi từ trái tim. Ở nơi máy móc tưởng chừng không có chỗ cho sự dịu dàng, cô lại mang đến niềm tin và sự mới mẻ.

Trong thời đại mà ranh giới giữa các ngành nghề đang dần xóa nhòa, Kết là hình ảnh cho một thế hệ mới – nơi giới tính không định hình năng lực, và ước mơ không bị bó buộc bởi định kiến, là minh chứng sống động cho việc không có giới hạn nào dành cho đam mê – chỉ có ranh giới do chính mình đặt ra.



Bình luận - Thảo luận