Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có xu hướng giảm trong quý IV do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, trong đó tháng 12/2022 ước giảm 1% so với tháng trước và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý IV/2022 tăng 3%. Chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 7,8%, trong đó một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao: Sản xuất đồ uống tăng 32,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 19,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 19,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tre nứa tăng 17,2%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 15,6%; sản xuất trang phục tăng 14,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất kim loại giảm 2,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 6,6%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tính tăng 7,69% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5,19% (do sản lượng khai thác than tăng 4,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 8,3%), đóng góp 0,17 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 so với năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 tăng cao so với năm trước: Bia tăng 35,3%; thủy hải sản chế biến tăng 15,7%; linh kiện điện thoại tăng 15,1%; ô tô tăng 14,9%; xăng, dầu tăng 13,7%; sơn hóa học tăng 10,4%; thép thanh, thép góc và xe máy cùng tăng 9,9%; bột ngọt 9,3%; giày, dép da tăng 8,8%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với năm trước: Dầu mỏ thô khác và ti vi các loại cùng giảm 1,3%; thức ăn cho thủy sản giảm 3,8%; phân hỗn hợp NPK giảm 7,7%; điện thoại di động giảm 9,1%; sắt, thép thô giảm 12,3%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2022 tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1% so với năm 2021 (năm trước tăng 4,8%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2022 tăng 10,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 21,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2022 là 78,1% (năm 2021 là 79,2%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,4% và tăng 0,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,5% và giảm 0,1%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,4% và tăng 0,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 0,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,2%.
PV.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết