Chuyên mục
12/11/2022

Cất cánh với cơ hội từ Thương mại điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang trở thành xu thế, mở đường “bình thường mới” cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Một diện mạo mới cho xuất khẩu đang hình thành, thương hiệu Việt đang nhập cuộc toàn cầu.

“TMĐT không còn là lựa chọn"

TMĐT đang trở thành kênh phân phối quan trọng tạo lực đẩy phát triển cho thương mại Việt Nam. TMĐT là điểm sáng  tích cực trong bức tranh kinh tế chung khi giữ mức tăng trưởng hai con số suốt hai năm vừa qua, dù thách thức từ đại dịch và tình hình kinh tế toàn cầu. Cũng theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, TMĐT được xác định là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Đáng chú ý, không dừng lại ở giao thương trong nước, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt thể hiện quyết tâm chinh phục mảng bán hàng xuyên biên giới thông qua các trang TMĐT. Theo báo cáo của AlphaBeta, 88% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát đánh giá cao tầm quan trọng của TMĐT trong hoạt động xuất khẩu. Doanh thu từ xuất khẩu TMĐT B2C tại Việt Nam cũng được dự kiến tăng hơn 20% mỗi năm.

Chia sẻ tại sự kiện “Amazon Week 2022: Hội nghị TMĐT xuyên biên giới”, bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP, Nhà sáng lập Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC, đánh giá: “TMĐT không còn là sự lựa chọn. Nếu các doanh nghiệp không bắt đầu với TMĐT, chắc chắn sẽ phải dậm chân tại chỗ, thậm chí bị bỏ lại phía sau trong sự bùng nổ của nền kinh tế số hiện nay”. Không chỉ bắt nhịp chuyển đổi số, việc tham gia kênh TMĐT xuyên biên giới là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm đến khách hàng toàn cầu, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Made-in-Vietnam.

Lợi thế mạnh mẽ để vươn ra toàn cầu

Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu những lợi thế để xuất khẩu và “vươn ra toàn cầu”. Thứ nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ đối với xuất khẩu và thương mại điện tử xuyên biên giới. Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số,  chia sẻ “Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 đến 2025, chúng tôi hướng tới nâng cao năng lực quản lý các hoạt động thương mại điện tử cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử. Cục TMĐT và Kinh tế số, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, sẽ góp phần nâng cao năng lực, sự sẵn sàng với TMĐT cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình xây dựng và lan tỏa “Made-in-Vietnam” ra quốc tế”.

Thứ hai, Việt Nam sở hữu một năng lực sản xuất mạnh mẽ với nhiều năm kinh nghiệm ngoại thương, cộng với nguồn nguyên vật liệu độc đáo, tay nghề tinh xảo, nhân lực dồi dào. Theo Amazon Global Selling Việt Nam, trong 12 tháng từ 1/9/2021 đến 31/08/2022, gần 10 triệu sản phẩm Made-in-Vietnam được bán ra cho khách hàng Amazon trên toàn cầu.

Thứ ba, cộng đồng người bán và khởi nghiệp trực tuyến rộng khắp, đầy tích cực với hàng trăm nghìn người mang tâm thế ra khơi cho thấy người bán hàng Việt Nam đã rất sẵn sàng gia nhập sân chơi toàn cầu.

Diện mạo mới cho xuất khẩu Việt Nam

Mới nhất, trong Tuần lễ Amazon Week 2022, Amazon Global Selling- chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thế giới phát triển kinh doanh toàn cầu, tiếp cận khách hàng toàn cầu và xây dựng thương hiệu quốc tế vừa công bố 5 mục tiêu trọng điểm năm 2023 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó bao gồm:

1.  Tăng cường nhận thức và sự sẵn sàng cho TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam

2.   Khuyến khích xây dựng thương hiệu quốc tế cho hàng hóa Made-in-Vietnam

3.   Giúp các đối tác bán hàng vươn ra toàn cầu với các hỗ trợ hậu cần

4.   Nâng cao trải nghiệm của các đối tác bán hàng; và

5.   Đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2022, Amazon Global Selling Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình để đồng hành, hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt, đơn vị này đã phối hợp cùng Cục TMĐT và Kinh tế số- Bộ Công Thương triển khai sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với mục tiêu đào tạo 10.000 nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho Việt Nam trong 5 năm tới.

Ngoài ra, chuỗi sự kiện xConnect cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao bởi tính hiệu quả và thiết thực khi kết nối toàn diện các đối tác bán hàng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ, giúp họ tham gia thảo luận và kết nối để khai thác các cách thức hợp tác, phối hợp để tạo ra một chuỗi sản xuất- xuất khẩu- kinh doanh thương mại điện tử tối ưu . Ngoài ra, nỗ lực đầu tư để làm phong phú hơn nguồn tài nguyên kiến thức về Bán hàng trên Amazon cũng được thực hiện liên tục. Học Viện Nhà bán hàng với hàng trăm khóa học bằng tiếng Việt ở định dạng video và bản đọc cũng được thường xuyên cập nhật và bổ sung.

Ông Gijae Seong- Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, chia sẻ: “Với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, TMĐT phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online. Amazon Global Selling tiếp tục nỗ lực và cam kết cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ và linh hoạt cho các doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng nguồn lực toàn cầu của Amazon và thành công kinh doanh, góp phần hình thành động lực kinh tế tích cực cho đất nước trong kỷ nguyên mới.”

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn sân chơi TMĐT xuyên biên giới làm chiến lược xuất khẩu và xây dựng thương hiệu để tạo bước ngoặt mới cho mình. Từ các nhà sản xuất tên tuổi trong nước như nón bảo hiểm Royal Helmet, nhựa phân hủy sinh học AnEco, gia dụng SunHouse, hạt điều Lafooco, cà phê Trung Nguyên, đến các doanh nghiệp trẻ, startup năng động như thủ công mỹ nghệ ChicnChill, thiệp giấy 3D HMG hay rong nho Trường Thọ cũng điều hướng theo TMĐT, tạo một diện mạo mới cho xuất khẩu Việt Nam và tạo ra vô số các thương hiệu quốc tế từ Việt Nam trên nhiều ngành hàng khác nhau.

ĐH

Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.



Bình luận - Thảo luận