Hội nghị nhằm hỗ trợ kết nối các sàn thương mại điện tử, các đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử nhằm khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tham dự Hội nghị có đại diện Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Shopee, Droppii, đại diện Sapo - đơn vị cung cấp nền tảng dịch vụ thương mại điện tử, Công ty Cổ phần Phát triển Khoa học Công nghệ Vi Na và các nhà quản lý, các đơn vị doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối… đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường, qua đó không chỉ giúp gia tăng cơ hội bán hàng mà còn thúc đẩy việc hình thành các mối quan hệ kinh doanh chiến lược với các đối tác trong khu vực. Đây cũng là dịp để các địa phương vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng hỗ trợ các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, giới thiệu và quảng bá các thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ tiêu biểu, thế mạnh phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
Thời gian qua, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của UBND Tỉnh Bình Dương, với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành, Sở Công Thương Bình Dương đẩy mạnh triển khai ứng dụng TMĐT để tạo sự thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ.
Đại diện các sàn thương mại điện tử cũng đã chia sẻ, giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp kỹ năng phân phối sản phẩm, ứng dụng giải pháp quản lý về bán hàng đa kênh, các tiêu chí chọn lọc sản phẩm, xây dựng năng lực số, chiến lược kinh doanh đổi mới sáng tạo, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả…
Các nhà bán hàng được hướng dẫn ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số, tạo kênh giao thương bằng hình thức trực tuyến, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất đến người mua hàng. Đơn cử phần mềm bán hàng Sapo Omnichannel giúp các nhà bán hàng có thể quản lý một cách chính xác tất cả các hoạt động kinh doanh tại một nơi duy nhất như quản trị kho, quản trị nhân viên, quản trị tài chính, quản trị đơn hàng…
Hay mô hình Dropshipping trong bán hàng của Sàn TMĐT Droppii giúp kinh doanh online trở nên đơn giản và dễ dàng hơn, vì người bán không cần lo lắng đến khâu nhập hàng, không cần tự đóng gói hay giao hàng, hay lo lắng về tồn kho, mà chỉ tập trung vào việc tư vấn bán hàng. Đây là mô mình phù hợp với nhiều đối tượng người bán và không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Droppii cũng cung cấp nền tảng training online với sự tham gia của các chuyên gia, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu và ứng dụng các kiến thức, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Thời gian tới, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục hỗ trợ, kết nối các đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử với các địa phương trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ và sự tích cực của các doanh nghiệp, các chương trình kết nối sẽ tạo đà thúc đẩy trong việc ứng dụng TMĐT sâu rộng hơn vào hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở các ngành hàng, lĩnh vực.
PV.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết