Chuyên mục
22/12/2023

Bán lẻ, dịch vụ khởi sắc, nguồn cung hàng Tết dồi dào

DNTH: Mặc dù năm 2023 kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nhưng hoạt động thương mại trong nước vẫn duy trì tăng trưởng, hàng hoá dồi dào.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6%

Theo báo cáo Bộ Công thương công bố ngày 20/12, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng.

Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%.

Nhận định về những kết quả trên, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức nêu rõ, từ tháng 7/2023, tiêu dùng nội địa đã trở về mức bằng giai đoạn trước dịch Covid-19, điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã có sự hồi phục nhất định. “Giai đoạn 2019-2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ, trong dịch Covid-19 chỉ còn 16- 18% nhưng từ đầu năm đến nay đã quay lại con số 24%”, ông Đức nêu ví dụ.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nguyên Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu dự báo: “Dự kiến, trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sức tiêu thụ hàng hóa của người dân sẽ tăng 10% so Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh những mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm… sức mua các mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát, quần áo, giày dép, trang thiết bị gia đình... sẽ tăng mạnh những tháng giáp Tết”.

Sẵn sàng lượng lớn hàng hóa phục vụ người dân mua sắm Tết

Liên quan đến công tác phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trên thực tế, nguồn hàng phục vụ dịp Tết rất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu rất dồi dào, thoải mái để người dân mua sắm. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.

Ngày 17/12, chia sẻ với Lao Động, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, bà đang trong chuyến công tác khảo sát nguồn hàng và khâu chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.

hang-tet
Các doanh nghiệp sẵn sàng nguồn hàng phục vụ Tết. Ảnh minh họa.

"Thực tế cho thấy nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Năm nay thời tiết thuận lợi nên các mặt hàng đều cho sản lượng tốt. Chúng tôi đang thị sát tại Đắk Nông và thấy nguồn hàng rất dồi dào”, bà Lê Việt Nga nói.

"Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu rất dồi dào, thoải mái để người dân mua sắm. Thậm chí nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua”, bà Lê Việt Nga chia sẻ thêm.

Là thành phố đông dân nhất cả nước, các doanh nghiệp (DN) tại Tp.HCM đã chuẩn bị trên 22.000 tỉ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, trong đó trên 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, cho hay: Có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.

Trong khi đó, Sở Công Thương Gia Lai đã đôn đốc doanh nghiệp đầu mối, siêu thị, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nguồn hàng, có kế hoạch phân bổ hàng cho đại lý trực thuộc nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, không để thiếu hàng, sốt giá; có kế hoạch tập kết hàng hóa về kho dự trữ trong tháng 12/2023, trong đó tập trung các mặt hàng thiết yếu; yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại tích cực phối hợp tham gia chương trình đưa hàng Việt thiết yếu về nông thôn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu và quyền lợi người tiêu dùng…

Tại Đà Nẵng, theo Sở Công Thương Đà Nẵng, báo cáo của các đơn vị và từ tình hình thực tế, năm nay kinh tế trong nước mặc dù có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức do phục hồi sau dịch Covid-19, khu vực sản xuất còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, do đó sức mua, mức chi tiêu dùng của người dân giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhưng không tăng nhiều so với năm ngoái và đưa ra một số chương trình khuyến mại, giảm giá.

Từ tháng 12 đến tháng 2/2024, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khuyến mại, kích cầu mua sắm. Cụ thể tổ chức "Phiên chợ thanh toán không tiền mặt kết hợp phát động ngày mua sắm trực tuyến online Friday"; phát động "Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm"; chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2023; tổ chức Hội chợ Xuân 2024 với quy mô khoảng 250 gian hàng,

Tại Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân trên địa bàn thành phố, đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội… Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 4884/KH-SCT về phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, chú trọng đến những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa…

Theo Công Thương, dự báo về khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu, dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỉ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023).

Theo Bộ Công Thương, không chỉ tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương... đến thời điểm này cả nước đã chủ động nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm Tết an toàn, hiệu quả.

Không để hàng kém chất lượng trà trộn lừa người dân

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, chia sẻ: Không chỉ triển khai các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao, sở sẽ triển khai tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để người dân có thể mua sắm hàng đúng giá, đảm bảo chất lượng.

Tìm hiểu của Lao Động cho thấy, hầu hết các sở công thương đều tổ chức các điểm bán hàng Tết lưu động để phục vụ bà con. Điều này góp phần đảm bảo nguồn hàng, không gian thương mang hàng hóa kém chất lượng trà trộn lừa bà con, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa.

Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Theo Người Đưa Tin

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.



Bình luận - Thảo luận