Chuyên mục

Xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề cần sự tham gia sâu của doanh nghiệp

DNVN - Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 nhấn mạnh sự tham gia sâu của doanh nghiệp tạo mô hình cao nhất, hiệu quả nhất trong việc xã hội hóa hoạt động dạy nghề.

Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 là trường công lập trực thuộc Bộ Xây dựng. Trong những năm qua trường được Chính phủ Đức, Chính phủ Việt Nam lựa chọn để đầu tư ODA xây dựng trường thành trung tâm đào tạo nghề xuất sắc theo tiêu chuẩn của Đức, tập trung vào nghề trong lĩnh vực kỹ thuật như điện, tự động hóa và đào tạo vận hành theo mô hình đào tạo kép, tức là tăng cường vai trò của doanh nghiệp tham gia và quá trình đào tạo của các trường nghề.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Cường cho biết, hoạt động đào tạo nghề của nhà trường được vận hành dựa trên hệ thống đảm bảo tiêu chuẩn Đức (tích hợp yếu tố 4.0 và “xanh hóa”) từ đội ngũ giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo chất lượng và cả hệ thống doanh nghiệp tham gia. Sinh viên không chỉ được học ở trường mà còn xuống cả doanh nghiệp học việc.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 trao đổi với phóng viênTạp chí Doanh nghiệp Việt Nam.

Nhà trường đã đào tạo gần 800 sinh viên, cung cấp cho thị trường lao động, tập trung các ngành nghề kỹ thuật. Thế mạnh của trường là đào tạo người lao động trực tiếp, những kỹ thuật viên lành nghề, có thể ứng dụng được trực tiếp vào quá trình sản xuất (khác với đào tạo của các trường đại học lớn đào tạo người có khả năng nghiên cứu cao hơn).

Sinh viên của trường được tốt nghiệp sẽ làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là tại Đức - những doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình đào tạo nghề. Hoặc sinh viên, với tư cách cá nhân, có thể gửi bằng tốt nghiệp để sang Đức làm việc nếu đạt yêu cầu.

Nhà trường đang thí điểm chương trình đào tạo sinh viên sang Đức làm việc thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Đức. Sinh viên có cơ hội sang Đức làm việc một cách chính đáng gọi là di cư an toàn, sau khi Luật Cư trú tại Đức đã thay đổi, cho phép lao động ở Việt Nam học theo mô hình Đức và được đến làm việc tại Đức.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 được chuyên gia tại doanh nghiệp đào tạo nghề.

Theo ông Cường, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 hướng đến vừa đào tạo lao động lành nghề nhưng cũng đào tạo lao động tham gia quá trình quản lý phát triển dây chuyền trong doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã đào tạo tới khóa thứ 8, trong đó, có hơn 200 sinh viên đã được tốt nghiệp, làm việc cho Công ty TNHH Bosch. Đồng thời, nhà trường đang đào tạo khóa thứ 3 cho Mercedes- Benz, mỗi khóa đào tạo 12 sinh viên; sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên đã đi làm cho các đại lý Mercedes- Benz tại Việt Nam”, ông Cường cho biết.

Trả lời câu hỏi về vấn đề xã hội hóa, nhất là làm thế nào để có thể tạo được nguồn vốn lớn cho đào tạo nghề kỹ thuật và tạo mô hình hiệu quả, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 nhấn mạnh: “Xã hội hóa hoạt động dạy nghề không chỉ là việc xây một ngôi trường, mà cần phải có các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề, bỏ tiền và công sức ra đào tạo. Sự tham gia sâu của doanh nghiệp mô hình xã hội hóa cao nhất, hiệu quả nhất, mang lại nhiều lợi ích nhất”.

Bên cạnh đó, đào tạo lĩnh vực kỹ thuật của nhà trường cũng rất tốn kém chi phí. Trong khi, sinh viên hầu hết là từ nông thôn đi học nghề, khó có kinh phí để theo chương trình chất lượng cao này.

“Chúng tôi mong muốn có được quỹ đóng góp hoặc có những hợp đồng đặt hàng từ các doanh nghiệp, hiệp hội để hỗ trợ sinh viên nghèo từ nông thôn được đào tạo nghề theo chương trình chất lượng cao của nhà trường. Hiện nay, doanh nghiệp là nguồn sống của các trường nghề để nâng cao chất lượng, trả tiền công cho người đào tạo. Tất cả đều cần dấu ấn của doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Hà Anh

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.



Bình luận - Thảo luận