Theo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) 2023, Thụy Sĩ, Singapore và Mỹ là ba quốc gia nắm giữ vị trí nổi bật nhất trong việc thu hút và nuôi dưỡng nhân tài.
Bên cạnh đó, danh sách Top 10 còn có Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Úc, Thụy Điển và Vương quốc Anh, cùng 17 quốc gia châu Âu khác lọt vào Top 25.
Tuy nhiên, có một số quốc gia châu Âu đã tụt hạng đáng kể trong thập kỷ qua, ví dụ như Vương quốc Anh, Luxembourg và Iceland. Trong khi đó, Úc và Na Uy đã cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ. Trung Quốc và Nga ngày nay cũng thu hút được nhiều nhân tài hơn so với trong quá khứ, lần lượt giành được vị trí thứ 40 và 52.
Mối liên hệ chặt chẽ giữa khả năng cạnh tranh và mức thu nhập có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Thụy Sĩ đã đứng đầu danh sách trong suốt thập kỷ qua, không chỉ nhờ mức lương khổng lồ mà các doanh nghiệp địa phương “mời gọi” nhân tài mà còn bởi bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội ổn định. Đất nước này luôn đạt điểm cao trong tất cả các khía cạnh được chỉ số đánh giá, chẳng hạn như tạo điều kiện và giữ chân nhân tài. GTCI cũng nhận thấy, Thụy Sĩ đứng đầu về tính bền vững nhờ mức độ bảo trợ xã hội cao và chất lượng môi trường tự nhiên.
Singapore giành được thứ hạng cao nhờ nền giáo dục chính quy, khả năng tuyển dụng tốt và nền kinh tế đổi mới. INSEAD cũng cho điểm cao về khả năng tiếp nhận tài năng và kinh doanh quốc tế của thành phố này.
Mỹ đã giành lại vị trí thứ ba một lần nữa sau khi đánh mất vị trí này vào năm ngoái. Thế mạnh mà Mỹ có được là hệ thống trường đại học đẳng cấp thế giới và sự hỗ trợ cho việc học tập suốt đời. Mỹ cũng được xếp hạng cao về năng suất lao động.
Trên toàn cầu, những quốc gia có cải thiện lớn nhất trong việc thu hút nhân tài là Albania, Indonesia và Azerbaijan, lần lượt tăng 16, 14 và 13 bậc.
Trong khi các vị trí đầu bảng vẫn ổn định trong thập kỷ qua, Doris Sohmen-Pao, giám đốc điều hành của Viện Lãnh đạo Nguồn Nhân lực, đã nhấn mạnh những thay đổi đáng chú ý trong hoạt động thu hút nhân tài.
“Mặc dù sự biến động là không quá lớn trong 10 năm qua, nhưng vẫn có những thay đổi đáng chú ý trong chủ trương chiêu mộ và nuôi dưỡng nhân tài ở nhiều lĩnh vực. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy khi các doanh nghiệp chủ động tìm cách thích ứng với những chuyển đổi công nghệ, đại dịch cũng như động lực phát triển bền vững ", ông Sohmen-Pao nhấn mạnh.
Cũng theo nghiên cứu, trong tương lai, sự cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân tài sẽ ngày càng khốc liệt.
Trong khi những bất ổn và căng thẳng toàn cầu có thể tiếp tục leo thang trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, chính trị và ngoại giao, thì khả năng cạnh tranh giành nhân tài được cho là sẽ trở nên vô cùng quan trọng đối với các quốc gia.
Bối cảnh làm việc sẽ tiếp tục thay đổi, được tác động bởi chất lượng cuộc sống tốt hơn của thế hệ trẻ, các mô hình kinh tế mới nổi và những tiến bộ trong công nghệ như AI. Các quốc gia và khu vực sẽ phải chủ động xây dựng các chiến lược đổi mới, nhấn mạnh vào chất lượng cuộc sống và tính bền vững, để trở thành trung tâm thu hút nhân tài. Ngoài ra, các chính sách quản lý sẽ là rất quan trọng để giảm bớt tình trạng căng thẳng trong việc, đồng thời khai thác tiềm năng con người và công nghệ một cách hiệu quả cho một thế giới bền vững hơn.
Chỉ số GTCI được công bố hàng năm bởi Trường INSEAD của Pháp, phối hợp với Viện tư vấn Descartes và Viện Lãnh đạo Nguồn Nhân lực có trụ sở tại Geneva. GTCI đánh giá 134 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết