Chuyên mục

Yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững đất nước

DNTH: Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017), trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2019 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Việt Nam luôn đặt ổn định chính trị là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững. Chủ thể duy nhất nắm quyền lãnh đạo nhân dân Việt Nam là “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” (Cương lĩnh của Đảng năm 1991). Mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Ănghen – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Với vai trò là chủ thể lãnh đạo duy nhất - Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ Tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng “không có gì quí hơn độc lập, tự do”; và khát vọng của Người “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, trong 35 năm đổi mới và mở cửa (từ 1986 đến nay) chúng ta đã vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách và thu được thắng lợi to lớn bằng những thành quả cả thế giới ngưỡng mộ: “(1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%... Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm… Công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); Tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới, năm 2019 xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới… Bảo hiểm xã hội đã giải quyết cho hơn 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Từ năm 2003-2018, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với ngành Y tế đã đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748 triệu lượt người tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bình quân mỗi năm có trên 10,9 triệu lượt người thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quan hệ quốc tế được mở rộng trên cơ sở đa phương hóa và bình đẳng cùng có lợi, đến nay đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vv…” (Trang Thông tin điện tử, Hội đồng lý luận Trung ương ngày 22-1-2021).

 Yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững đất nước

Để xã hội ổn định và tạo tiền đề cho phát triển của Việt Nam hiện nay chúng ta phải dựa trên ba yêu tố chủ yếu: phát triển kinh tế; chống tham nhũng và quan hệ quốc tế hài hòa.

Phát triển kinh tế, đây là yếu tố đầu tiên, quyết định nhất đến sự sống còn, đến chất lượng cuộc sống của mỗi con người và là sức mạnh của mỗi quốc gia dân tộc trong xây dựng kiến thiết đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia dân tộc chủ yếu do chủ thể quyền lực quyết định thông qua cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chính sách. Cương lĩnh, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đúng là ngọn hải đăng soi đường đích tới, là nguồn cảm hứng tạo động lực cho sự ổn định và phát triển. Ngược lại, Cương lĩnh, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế không đúng sẽ làm chệch hướng, kìm hãm hoặc hủy hoại sự phát triển, dẫn đến rối loạn xã hội. Một kinh nghiệm cho thấy, muốn phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay phải phát huy tối đa, tổng lực của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội; phát huy thế mạnh của các vùng, miền, các loại hình kinh tế và các thành phần kinh tế; Trong đó giữ lại một bộ phận chủ chốt kinh tế quốc doanh, kinh tế nhà nước mang tính định hướng, chi phối và dẫn dắt nền kinh tế phát triển, nhưng phải dám sát, kiểm tra, kiểm toán thường xuyên vì đây là khu vực kinh tế nhạy cảm thường nảy sinh tham nhũng, lãng phí làm ảnh hưởng đến mọi mặt phát triển. Đồng thời, coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, xem đây là nơi thu hút nguồn lực, nhân lực và đóng góp của cải vật chất cho xã hội nhiều nhất cho phát triển kinh tế của quốc gia dân tộc. Kết hợp phát triển kinh tế trong nước với việc thu hút đầu tư nước ngoài để tận dụng các nguồn lực từ nước ngoài, như nguồn vốn, máy móc, phương tiện hiện đại, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức điều hành, quản lý, tạo công ăn việc làm cho người lao động để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt phát triển kinh tế tri thức, áp dụng những thành tựu khoa học của nhân loại trong cuộc công nghiệp 4.0 tạo động lực, đòn bảy cho sự phát triển.

Chống tham nhũng, là làm cho bộ máy nắm giữ quyền lực trong sạch, ngăn ngừa và giảm thiểu được sự tha hóa của đội ngũ cán bộ công chức viên chức của nhà nước, Thu hồi tiền của, tài sản của của những người và nhóm người có quyền lực bị tha hóa chiếm đoạt của nhân dân và đất nước. Ngoài ra, chống tham nhũng là để răn đe, ngăn chặn người nắm giữ quyền lực trong xã hội cảnh tỉnh mà từ bỏ lòng tham chiếm đoạt tiền của, vật chất của nhân dân và đất nước. Qua đó, giữ vững hoặc lấy lại lòng tin của nhân dân vào chủ thể lãnh đạo làm cho xã hội ổn định và phát triển.

Chống tham nhũng chính là chống một bộ phận người nắm giữ quyền lực trong xã hội tha hóa về đạo đức, nhân phẩm lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của, vật chất của nhân dân và đất nước. Chỉ có người nắm giữ quyền lực trong xã hội mới có điều kiện tham nhũng, người càng có quyền lực cao thì càng có điều kiện tham nhũng nhiều. Vì vậy, muốn chống tham nhũng hiệu quả, trước tiên người đứng đầu và lực lượng “tinh hoa” quốc gia dân tộc phải “không nhúng tràm”, phải là tấm gương sáng cả tư tưởng, ý trí và hành động, “chí công vô tư”, thực sự là người yêu nước, thương dân - vì nhân dân, vì đất nước.

Chống tham nhũng phải kiên quyết dùng luật pháp, phải căng luật ra làm, phải có “lằn ranh đỏ” cho mọi đối tương và phải công bằng trước pháp luật, kết hợp với dư luận xã hội. Chống tham nhũng phải không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ, phải chống từ trên xuống dưới, trong dân gian ta có câu “nhà dột từ nóc, nhà siêu từ cột cái”, “trên bất chính thì hạ tắc loạn”. Vì vậy, để nhà của quốc gia dân tộc và chế độ xã hội ổn định và phát triển thì nhất thiết chống tham nhũng phải từ trên xuống dưới, càng trên cao càng quyết liệt và triệt để, người nắm giữ chức vụ càng cao khi tham nhũng thì hình phạt phải tương xứng với chức vụ họ nắm giữ, nhưng tuyệt đối không bỏ sót bên dưới, tìm bằng được mầm bệnh của tham nhũng ở nơi có tham nhũng để triệt tận gốc, cây sâu phải bắt sâu; nhà mục do mọt phải bắt mọt mới có hiệu quả.

Chống tham nhũng phải huy động mọi lực lượng và bằng mọi công cụ, phương tiện tạo ra phong trào sâu rộng trong toàn xã hội với khí thế quyết tâm như đánh giặc ngoại xâm mới giành được thắng lợi. Tham nhũng là trở lực lớn, là nguyên nhân gây nên mất ổn định trong xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Quan hệ quốc tế kiên quyết, mền dẻo và hiệu quả

Trong tiến trình phát triển của nhân loại đã chứng minh: bất kỳ quốc gia dân tộc nào muốn ổn định xã hội để phát triển thì phải an dân (dân tin, dân yêu, dân theo, dân thực hiện). Muốn an dân thì chủ thể cầm quyền phải lo cho dân, cho nước làm cho “dân giàu, nước mạnh” – điều này chỉ có được thông qua phát triển kinh tế, chống tham nhũng và quan hệ quốc tế “hữu hảo” thì “trong mới ấm, ngoài mới êm”.

Vì vậy, quan hệ quốc tế là vấn đề hết sức quan trọng của chủ thể nắm giữ quyền lực của mỗi quốc gia dân tộc để tạo sự hòa thuận, đồng thuận tạo thế và lực trong việc giải quyết những vấn đề chung của nhân loại và trong nước. Một kinh nghiệm cho thấy tất cả các cuộc chiến tranh đã xảy ra không phải do quần chúng nhân dân hay nguời bị nắm giữ quyền lực phát động mà chủ yếu do ý chí của người đứng đầu nắm giữ quyền lực hay nhóm người nắm giữ quyền lực của quốc gia dân tộc dân tộc này với người đứng đầu nắm giữ quyền lực hay nhóm người nắm giữ quyền lực của quốc gia dân tộc dân tộc khác phát động để thực hiện mục đích bảo vệ lợi ích của mình và của quốc gia dân tộc mình về kinh tế, chính trị, quân sự.

Trong quan hệ quốc tế cần phải kết hợp chặt chẽ giữa kiên quyết và mền dẻo, khôn khéo trên cơ sở cùng có lợi, đặc biệt coi trọng lợi ích của quốc gia dân tộc mình. Sinh thời, Hồ Chí Minh thực hiện triệt để phương châm: độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, và “muốn người ta giúp mình thì trước hết mình phải giúp mình đã”, và về nguyên tắc, “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Tuy nhiên trong từng giai đoạn lịch sử thì việc xác định quan hệ quốc tế cũng khác nhau.

Vận dụng sáng suốt quan điểm quan hệ quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn toàn cầu hóa đã đưa ra chính sách: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Như vậy, trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập, quan hệ quốc tế là rất quan trọng cho mỗi quốc gia dân tộc để ổn định xã hội và phát triển đất nước. Mỗi quốc gia dân tộc muốn ổn định để phát triển cần quan hệ đa phương, đa chiều, quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước có chế độ xã hội khác nhau trên cơ sở bình đẳng hai bên cùng có lợi. Đặc biệt coi trọng và khôn khéo trong quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng. Quan hệ với các nước lớn có tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ trên thế giới như: Mỹ, Đức Pháp, Nga, Nhật Bản, Trung quốc, Ấn Độ…, trước tiên là để hạn chế họ can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia dân tộc mình; thứ hai, để tranh thủ sự giúp đỡ về Khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành xã hội cho phát triển; thứ ba, để họ ủng hộ, giúp đỡ trong những vấn đề chung nhân loại có liên quan như: giải quyết dịch bệnh, đói nghèo, vấn đề dân chủ, nhân quyền, môi trường sống, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước, là yếu tố sống còn đến ổn định và phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

  • Cương lĩnh của Đảng năm 1991
  • Nghi-quyet-136-NQ-CP-2020 – Phát triển bền vững
  • Trang Thông tin điện tử, Hội đồng lý luận Trung ương ngày 22/01/2021
  • https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/5987our-common-future.pdf

 

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.



Bình luận - Thảo luận