Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 190 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 2,01 tỷ USD, tăng 24,2% về số dự án và tăng 66,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 61,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 715,9 triệu USD, chiếm 35,6%; các ngành còn lại đạt 51,6 triệu USD, chiếm 2,6%.
Trong số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1/2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 65,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 302,6 triệu USD, chiếm 15%; Trung Quốc 142,1 triệu USD, chiếm 7,1%; đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 74,7 triệu USD, chiếm 3,7%; Samoa 49,4 triệu USD, chiếm 2,5%.
Còn vốn đăng ký điều chỉnh có 75 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 235,4 triệu USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 909,4 triệu USD, chiếm 40,5%; các ngành còn lại đạt 86,2 triệu USD, chiếm 3,8%.
Về vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 174 lượt với tổng giá trị góp vốn 116,5 triệu USD, giảm 33,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 56 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 79,5 triệu USD và 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 37 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 57 triệu USD, chiếm 48,9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 22,1 triệu USD, chiếm 18,9% giá trị góp vốn; ngành còn lại 37,4 triệu USD, chiếm 32,2%.
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết