Chuyên mục

"Vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân" - mục tiêu và hành động xuyên suốt hành trình 93 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam

DNTH: Kể từ khi thành lập đến nay 03/02/1930 - 03/02/3023, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo đất nước, Nhân dân ta dành được nhiều thắng lợi. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong suốt 93 năm qua, mục tiêu mà Đảng ta luôn hướng tới tất cả vì độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5/9/1960. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5/9/1960.

Với khát vọng giải phóng dân tộc, sau quá trình trăn trở khảo nghiệm con đường cứu nước, cứu dân, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thấy “không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Và, để tiến hành con đường cách mạng vô sản đó thì “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một mốc lớn, bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước. Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được Hội nghị Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua xác định: Cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Khi nước mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định độc lập cho Tổ quốc và bước đầu thiết lập tự do, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu và hành động cần kíp trước tiên. Điều này thể hiện ngay lúc đang hoạt hoạt động trên đất Pháp, trả lời vị Bộ trưởng Bộ Thuộc địa nước này khi ông ta khuyên Nguyễn Ái Quốc từ bỏ hoạt động chống ách thống trị của người Pháp ở Đông Dương, Người khẳng khái: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… kính ngài ở lại. Tôi xin phép về” (1). Tháng 1/1946, trả lời các nhà báo nước ngoài về chức vụ Chủ tịch nước mà Người được quốc dân ủy thác, Hồ Chí Minh nói: “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (2). Ngày 16/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11/6/1948, Người đưa ra việc thực hiện “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.

Nhân dân được tự do và hạnh phúc là kết quả của đất nước được độc lập. Bởi thế, trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc là thuộc tính của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đó là nhận thức khoa học và cách mạng về sự phát triển tất yếu của lịch sử xã hội loài người mà Hồ Chí Minh thấm nhuần, tin tưởng: “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”. Vì thế, sau này Người nhấn mạnh lại mục tiêu mà mình dấn thân: Những khi “phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội” cũng là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong Di chúc, Người gửi lại “điều mong muốn cuối cùng” trước lúc đi xa là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (3). Tổ quốc độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc là mục tiêu cao cả, hành động quyết liệt không thay đổi suốt cuộc đời của Bác!

Xuất phát từ nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên tại Hội nghị thành lập, Đảng đã xác định mục tiêu chiến lược: làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Trong thời kỳ đầu mới ra đời Đảng xác định nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm trước hết, bởi nếu không giành được độc lập cho dân tộc thì không thể thể có cơ sở, tiền đề để xác lập được tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Từ Hội nghị Trung ương tháng 11/1939, nhất là từ Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (5/1941), Đảng đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đây là xác định đúng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”(4).

Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, đất nước được độc lập là tiền đề để mang lại hạnh phúc cho Nhân dân. Cách mạng Tháng Tám đã đổi địa vị Nhân dân thành chủ nhân thật sự của nước độc lập. Chỉ bốn tháng sau ngày Cách mạng thắng lợi, lần đầu tiên, Nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, tự mình bầu ra Quốc hội của Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, cử ra chính quyền từ cấp xã đến Trung ương để vận hành đất nước với mục tiêu: “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Từ 1945 đến 1975, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta tiến hành kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và chủ nghĩa thực dân mới để giành lại độc lập dân tộc, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho hạnh phúc của Nhân dân. Cụ thể là xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, chống “giặc đói”, “giặc dốt”, xây dựng kinh tế ở vùng căn cứ địa cách mạng, vùng giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc.

Như vậy, ngay từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt, Điều lệ vắn tắt) toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của Nhân dân; sự nghiệp đó là của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Cương lĩnh 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định khẳng định con đường vì hạnh phúc của Nhân dân, với những nội dung mới phù hợp với xu thế lớn của thời đại: “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”, tất cả vì lợi ích chân chính của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân.

Độc lập dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu đúng đắn, nhân văn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhân dân ta, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối của Đảng, là quy luật của cách mạng Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại, đất nước có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như ngày nay. Đây là kết quả của sự vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta trong điều kiện hiện nay.

36 năm đổi mới, xuyên suốt các đại hội trong thời kỳ này đều thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng ta là giữ vững nền độc lập cho dân tộc và phấn đấu để đất nước phát triển vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Xin minh chứng một cách khái quát mục tiêu đó thể hiện qua chủ đề của mỗi đại hội Đảng trong thời kỳ này. Cụ thể là, Đại hội VIII: “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Đại hội IX xác định: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội X quyết tâm: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Đại hội XI: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội XII là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội XIII định hướng: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy ở những chặng khác nhau, nhưng chủ đề các đại hội Đảng đều thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Mục tiêu của cách mạng, lý tưởng phấn đấu của Đảng ta trong suốt 93 năm qua nhất quán là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Tiếp nối tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá sự tiến bộ, ưu việt của quốc gia. Đảng xác định các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025: đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/vạn dân; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi… đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm). Đến năm 2045, Kỷ niệm 100 năm thành lập nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Các chỉ tiêu này đều hướng đến chỉ số hạnh phúc của Nhân dân. Đại hội XIII quyết tâm thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân; xây dựng các cơ chế, chính sách, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy tối đa nhân tố con người - coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc tháng 9/2000 với 8 mục tiêu chung: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; bảo đảm bền vững về môi trường; thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển. Tất cả đều nằm trong mục tiêu của Đảng ta: độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2022 - Báo cáo Hạnh phúc Thế giới công bố: Việt Nam tăng 2 bậc, lên vị trí 77 so với năm 2021 (năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83)(5). Đó là thành tựu của toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu cho độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân trong suốt hành trình 93 năm dưới ngọn cờ của Đảng./.

PGS, TS Đoàn Thế Hanh

Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

----------------------

(1)- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. CTQG, HN 2015, tr. 26.

(2)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 187.

(3)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN 2011, t. 15, tr. 624.

(4)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb CTQG, HN 2011, tr.3.

(5)- Báo cáo Hạnh phúc Thế giới công bố 18/3/2022.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.



Bình luận - Thảo luận