Theo nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá địa ốc đã tăng gấp hàng chục lần trong thập kỷ qua. Riêng trong năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai con số. VARS dự báo, trong năm 2024, giá bán chung cư sơ cấp sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3 - 8%.
"Xu hướng tăng này diễn ra, bởi nguồn cung trong ngắn hạn vẫn chưa được giải quyết. Khan hiếm nguồn cung mới khiến thị trường thiếu tính cạnh tranh, doanh nghiệp có dự án chung cư mở bán giai đoạn này là vua, nếu không gặp khó khăn về dòng tiền, chủ đầu tư sẽ tiếp tục giữ giá cao để tối đa hóa lợi nhuận. Đồng thời, cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá cao hơn nữa", VARS nêu.
Tuy nhiên, giá chung cư neo cao không chỉ vì bởi chủ đầu tư cố neo mà còn do chi phí đầu tư, xây dựng tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí tiếp cận tài chính tăng. Bên cạnh đó, chi phí tạo lập quỹ đất quá cao cùng nhiều khoản chi phí không tên phát sinh khi thực hiện chủ đầu đầu tư, xây dựng, phát triển dự án khiến chủ đầu tư khó giảm giá.
Ngoài ra, lãi suất thấp cùng lạm phát cao kỷ lục của quãng thời gian trước cũng là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.
Giá nhà tăng cao, khiến nhiều người chật vật trong việc tìm kiếm chỗ an cư.
Gia đình anh Vũ Văn Ngọc vẫn chưa thể có căn nhà ưng ý. Nhà có 4 người, gồm vợ chồng anh và 2 con nhỏ, những căn rộng rãi giá từ 2 – 3 tỷ đồng thì anh không đủ tiền mua, còn những căn rẻ hơn lại bé quá so với nhu cầu của gia đình.
“Thu nhập 2 vợ chồng được hơn 30 triệu, chi phí học hành cho 2 con và phí sinh hoạt đã tốn kha khá. Vợ chồng tôi tích góp được hơn 1 tỷ, đang định vay mượn thêm để mua, nhưng giờ giá lên cao nên tôi cũng phải suy nghĩ”, anh Ngọc bày tỏ.
Không chỉ anh Ngọc, mà nhiều người khác cũng đồng cảnh ngộ, xoay sở tìm kiếm căn chung cư phù hợp với túi tiền là rất khó.
Để người dân dễ mua nhà, VARS cho rằng, phải cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm, cần có sự chung tay, góp sức, thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp của rất nhiều đối tượng, thành phần, từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp, ngân hàng.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng. Xem xét các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Hiện nay, đây là hai hạng mục chiếm rất nhiều chi phí của chủ đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành của bất động sản.
Cùng với đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm với tất cả các hành vi gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển dự án. Tránh phát sinh các chi phí bôi trơn, vô hình chung cũng bị cộng dồn vào giá thành sản phẩm.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhà ở phân khúc giá bình dân và người mua nhà. Cần có các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ các chủ đầu tư nếu muốn cơ cấu lại các dự án theo hướng từ cao cấp sang bình dân, hoặc nhà ở xã hội.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư. Bán một phần hoặc toàn bộ các dự án không phù hợp với nguồn lực hiện tại. Chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền. Tập trung nguồn vốn vào các dự án đảm bảo pháp lý, có phương án vay vốn khả thi, có khả năng hoàn thành sớm, dễ thanh khoản.
Giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí chấp nhận bán lỗ, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động. Với các dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, chủ động định hướng sang phân khúc giá bình dân để đảm bảo khả năng hấp thụ khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết