Chuyên mục

Văn hóa Hà Nội qua góc nhìn kiến trúc

DNTH: Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã từng thấm đẫm nét kiến trúc giản dị, khiêm tốn và thanh lịch của người Hà Thành. Sự pha trộn giữa hai nền kiến trúc Á – Âu, cao ngạo mà dịu dàng, đoan trang mà trầm mặc, tạo nên niềm tự hào của người Hà Nội. Xen lẫn với đó, sự tùy tiện của nhiều công trình đã làm phai mờ nét tao nhã vốn có của 36 phố phường.

Hà Nội xưa

Hà Nội của một thời phong kiến với đền - phủ, cung điện nguy nga, xa xa những mái ngói đỏ co cụm thành từng mảng màu riêng biệt. Kiến trúc nhà dân đa phần có thiết kế bằng gỗ, thi thoảng có một vài nhà được xây bằng gạch, đá. Đặc điểm chung của kiến trúc khu dân cư Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thời kỳ này là nhà mái ngói, mái dạ với chiều cao khiêm tốn.

Chung cư cũ ở một góc phố Hà Nội
Chung cư cũ ở một góc phố Hà Nội

Sau thời kỳ phong kiến, nét kiến trúc của Hà Nội đã dịch chuyển theo lối phóng khoáng, thực dụng và đơn giản nhưng chú trọng về công năng sử dụng của Pháp (1875-1920). Những công trình kiên cố và một số khu buôn bán ở phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Đồng Xuân bắt đầu mọc lên. Những con đường rải nhựa xuất hiện nhiều hơn, đường sắt nối từ trung tâm hành chính ra ngoại thành cũng được xây dựng, giao thông được thiết kế theo lối bàn cờ.

Cấu trúc đô thị thời kỳ này dần hình thành các khu có chức năng riêng biệt như khu thương nghiệp dịch vụ trên đường Tràng Tiền – Hàng Khay; khu hành chính ở phía đông hồ Hoàn Kiếm; khu ở của người Pháp ở phía nam hồ Hoàn Kiếm. Toàn cảnh Hà Nội vẫn mang nét quen thuộc, với những mái ngói đỏ nhấp nhô trải rộng một cách sinh động, khác hẳn với những đường nét kiến trúc châu Âu của “khu phố Tây”. Sự tồn tại hai hình thái cấu trúc đô thị khác biệt nhau, tạo nên một hình ảnh văn hóa đặc sắc và riêng có của Hà Nội. Một bên mang nét thanh bình, tĩnh lặng, khiêm nhường và trầm mặc; với một bên là sự nguy nga, tráng lệ, phô diễn và thực dụng.

Sau thời kỳ Pháp thuộc, có hai lối kiến trúc ảnh hưởng tới diện mạo Hà Nội, đó là kiến trúc tân cổ điển, mang đậm nét văn hóa Á – Âu; thứ hai là lối kiến trúc của các nước xã hội chủ nghĩa, đó là các khu nhà ở theo lối tiểu khu do Liên Xô và Triều Tiên thiết kế, bao gồm các nhóm nhà lắp ghép cao 4 đến 5 tầng, xếp song song hoặc vuông góc vây quanh hồ nước, sân chơi, nhà trẻ mẫu giáo, cửa hàng bách hóa. Nhìn chung các khu ở này có giá trị kiến trúc thấp do hình khối đơn giản, bố cục tổng thể nghèo nàn, không gian căn hộ cứng nhắc, diện tích nhỏ.

Chung cư cũ với lồng sắt đua ra ngoài
Chung cư cũ với lồng sắt đua ra ngoài

Sau giai đoạn đó, Hà Nội được mở rộng thêm khoảng 2.000ha, chú trọng phát triển nhà ở và nhiều công trình công cộng được xây dựng mới như khu An Dương, Phúc Xá, Đại La, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên… gồm các dãy nhà tập thể, song song với một số công trình công cộng. Kiến trúc giai đoạn này đã có nhiều nhà xây cao 2 tầng bằng gạch chịu lực, với bố cục đơn giản và chưa có tính thẩm mỹ.

Các công trình công cộng thời kỳ này được xây dựng theo lối kiến trúc tân cổ điển, có đặc điểm đối xứng, trang nghiêm, mặt đứng có bệ nhà, hệ thống cột vượt nhiều tầng, mái đua như trụ sở Bộ Kiến trúc, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Học viện Thủy Lợi, Cục Thống kê, Hội trường Ba Đình, Trường Đại học Bách khoa… Tuy bố cục về kiến trúc có những thay đổi, nhưng 36 phố phường Hà Nội vẫn xuyên thời gian và hiện diện cho tới ngày nay.

Hà Nội nay

Sau 30/4 năm 1975, nền độc lập đã về tay Nhân dân. Là một đất nước nghèo, lạc hậu với hàng trăm năm dưới ách đô hộ. Sau khi giành được độc lập, quá trình kiến thiết xây dựng hạ tầng, còn thiếu tư duy tổng thể là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhưng những “lát cắt” trong xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn manh mún, sự liên kết giữa các bộ ngành trong phê duyệt thiết kế tổng thể vẫn thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng “tắc nghẽn dòng chảy kiến trúc” hoặc thi thoảng tăng tốc rồi lại đột ngột dừng lại. Có thể đơn cử như việc mặt đường thường xuyên phải đào bới để đặt đường nước sạch, đường dây viễn thông, đường điện dân dụng…

Những tòa nhà cao tầng nổi lên giữa khu dân cư
Những tòa nhà cao tầng nổi lên giữa khu dân cư

Chuyện những dự án nhà ở mọc thêm một tòa nhà ngoài giấy phép xây dựng; công trình đã đến công đoạn hoàn thiện nhưng chưa có giấy phép xây dựng; công trình đưa vào khai thác nhưng khi hỏi đến mới tá hỏa là đang xin cấp phép... đã xảy ra khá phổ biến trên địa bàn Hà Nội.

Hay chuyện bãi đỗ xe ở Hà Nội cũng rất đáng bàn, bởi chung cư mọc lên như nấm, số lượng cư dân tăng vọt trong một thời gian ngắn, dẫn đến các hạng mục của hạ tầng như giao thông, điện, nước sạch, nước thải, bãi gửi xe... quá tải trầm trọng. Không khó để bắt gặp cảnh người và xe đứng tràn dưới lòng đường, chờ gửi ở bãi xe phía ngoài bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Việt Đức. Hay những bãi xe ô tô không được cấp phép hoạt động, mọc lê  như nấm xung quanh các khu chung cư trong nội thành Hà Nội.

Phải thừa nhận một điều là Hà Nội thiếu rất nhiều bãi đỗ xe tĩnh, nhu cầu đỗ xe của người dân là có thật, sự rối ren trong quản lý bãi xe tại các phường luôn là vấn đề nóng khi cơ quan ngôn luận lên tiếng. Tuy nhiên đã nhiều lần vấn đề này được đưa ra nghị trường để tham luận, nhưng vẫn chưa có được một giải pháp tổng thể, phù hợp với quy hoạch của Hà Nội.

Câu chuyện văn hóa người Hà Nội

Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vào giữa những năm 90 của thế kỷ 20, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc, các nhà cao tầng xuất hiện nhiều hơn ở Hà Nội và những thành phố lớn. Sự khởi sắc thông qua kiến trúc càng rõ nét với những tòa nhà tráng lệ xuất hiện vào đầu thế kỷ 21, khi chúng ta từng bước đưa nền kinh tế từ tập thể, tới nhiều thành phần và kinh tế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Kinh tế tư nhân phát triển, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh đã đưa Việt Nam hội nhập nhanh hơn với quốc tế.

Kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng các quy định của pháp luật không theo kịp, bởi việc điều chỉnh cần có lộ trình. Vì vậy, sự phát triển nóng đã để lại nhiều sai phạm trong quá trình điều hành của chính quyền các cấp. Từ sự tăng tốc của kinh tế, mà văn hóa, lối sống và kiến trúc của nhiều trung tâm lớn, trong đó có Hà Nội có đôi khi đã xuất hiện sự “buông thả”, “phóng túng”, vắng bóng của luật pháp ở nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng.

Sự nguy nga, tráng lệ của những ngôi biệt thự
Sự nguy nga, tráng lệ của những ngôi biệt thự

Nét văn hóa của Hà Nội cũng dần bị “pha loãng” khi người dân ở các tỉnh lẻ đổ về Thủ đô sinh sống và làm việc. Cuộc sống sôi nổi, vận động mạnh, dần thay thế cho nét khiêm nhường, trầm mặc và tao nhã của Hà Nội. Sự pha loãng đó sẽ chậm lại nếu như khoảng cách giàu nghèo không quá xa, cư dân ổn định về thu nhập, an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên nhu cầu về nhà ở tại Hà Nội tăng cao, cũng là điểm xuất phát của sai phạm trong xây dựng và sự dịch chuyển về văn hóa.

Đó là hiện tượng các tầng cao của công trình mặc sức đua ra ngoài diện tích đất được cấp phép xây dựng, nhưng sẽ trở thành “việc đã rồi” khi cơ quan chức năng quan tâm tới. Bản chất của hành động đó, là “chiếm đoạt” không gian chung của xã hội cho riêng mình; hay việc tự ý xây vượt giấy phép hàng chục tầng của hầu hết 12 tòa nhà, tại khu HH Linh Đàm; những “chuồng cọp” đua nhau vươn ra khỏi sự trói buộc của nhiều căn chung cư cũ, đã xuống cấp, cũng làm nhức nhối thêm các vấn đề của Hà Nội.

Thực ra câu chuyện “pha loãng” văn hóa của Hà Nội thông qua cái bóng của kiến trúc, có vô số nguyên nhân. Nhưng sâu xa của vấn đề là chính quyền các cấp bị quá tải, trong việc kiểm soát về văn hóa, lối sống, đối với người dân trên địa bàn. Nguyên nhân quá tải một phần do quy hoạch đô thị thiếu tổng thể, người dân sống chen chúc, vật lộn với miếng cơm manh áo; một phần do pháp luật chưa được nghiêm minh trong khi thực thi.

Một góc quy hoạch dự án nhà ở
Một góc quy hoạch dự án nhà ở

Chuyện quy hoạch kiến trúc nhà ở và các công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội phải mang tính phổ quát; phục vụ mục tiêu cho tương lai; trình độ của cơ quan chuyên môn phải đủ để có những dự liệu, quyết sách phù hợp đối với quy hoạch mang tính thời kỳ, trong đó một số yếu tố cần tôn trọng như:

  • Mật độ dân cư sinh sống trong một địa giới hành chính cụ thể, cần giữ ổn định theo tỷ lệ quy định. Những công trình dân sinh, những dịch vụ phục vụ cho số lượng dân cư đó cần có giới hạn tối đa và tối thiểu, nhằm đáp ứng nhu cầu (nhưng không dư thừa) cho số lượng dân cư đó. Muốn làm được như vậy, các bộ, sở ngành cần nắm vững quy hoạch và phải chịu trách nhiệm nếu phê duyệt dự án, hoặc cấp giấy phép hoạt động dịch vụ vượt giới hạn về nhu cầu của cư dân.
  • Tất cả các loại hình dịch vụ cần cấp phép theo vị trí địa lý, dựa trên tiêu chí thuận lợi, phù hợp và đủ cho nhu cầu thực tế của cư dân, trong giới hạn tối đa và tối thiểu. Đảm bảo cho người cung cấp dịch vụ có thu nhập ổn định, giảm thiểu tình trạng hàng hóa dư thừa trên thị trường.
  • Khi mật độ cư dân sinh sống ổn định, sẽ giúp các công trình hạ tầng không quá tải, đảm bảo tuổi thọ theo thiết kế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý môi trường sống của cư dân. Các công trình dân sinh được bố trí phù hợp, mang lại hiệu quả trong sử dụng vốn, tránh tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước.

24 năm trước, Hà Nội được vinh danh là Thành phố vì hòa bình, đó là niềm tự hào của người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi cho người dân Hà Nội: “Vì sao Hà Nội là Thành phố vì hòa bình” thì đa phần sẽ không có câu trả lời. Chúng ta cần dựa trên các tiêu chí của Thành phố vì hòa bình mà tuyên truyền cho người dân, đồng thời cần nghiêm túc gìn giữ và phát huy các tiêu chí đó, giúp diện mạo Hà Nội ngày một khanh trang, sạch đẹp, nâng cao trách nhiệm của người Hà Nội với Thủ đô.

Kiến trúc xây dựng ở mỗi quốc gia thường xuất phát từ chiến lược phát triển vùng, giúp ổn định và tạo lập môi trường sống bền vững cho cư dân, là sự tích lũy về văn hóa, văn minh và duy trì bản sắc dân tộc. Thông qua diện mạo kiến trúc, người ta cũng nhận ra được tính chất ổn định hoặc bất ổn về tư tưởng trong xã hội, ở từng giai đoạn lịch sử.

Quy hoạch kiến trúc nhìn ở góc độ quản lý nhà nước, thì đó là bộ mặt của một thành phố, một quốc gia. Khi bộ mặt đó được trang điểm là một chú hề thì chỉ vào vai diễn mua vui cho người khác, chứ không thể ngồi luận bàn chính sự. Vì vậy, nhất thiết phải có góc nhìn nghiêm túc trong quy hoạch kiến trúc của Hà Nội, để các thế hệ sau này không phải sửa sai và là niềm tự hào về cha ông mình, mỗi khi thiết đãi chính khách.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.



Bình luận - Thảo luận