Chuyên mục

Tổng hợp tin doanh nhân tuần 31/12/2023 – 6/1/2024

Doanh nhân Nguyễn Hồng Huy được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023; Những chia sẻ tâm huyết của Tổng giám đốc Bùi Thế Long về sự thành công của Khu công nghiệp Liên Hà Thái trong năm 2023;...

Doanh nhân Nguyễn Hồng Huy được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023

12.jpg

Là một trong 14 gương công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM năm 2023, doanh nhân Nguyễn Hồng Huy – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sô cô la Hallelu đã được vinh danh tại lễ tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023, diễn ra vào ngày 1/1/2024 tại TP.HCM. Được biết, Nguyễn Hồng Huy vốn là kỹ sư cơ khí từng làm việc tại một tập đoàn ô tô của nước ngoài, không có chuyên môn về ngành thực phẩm và sản xuất sô cô la, càng không có bệ đỡ tài chính vững mạnh. Thế nhưng vào năm 2016, bỏ qua tất cả những khó khăn trên, Nguyễn Hồng Huy đã tìm tòi, vận dụng các kiến thức cơ khí để tự nghiên cứu, chế biến máy móc để sản xuất sô cô la.

Sau thành công đầu tiên, Nguyễn Hồng Huy đã thuê riêng khu nhà xưởng tại Thủ Đức (TP.HCM) để làm cơ sở sản xuất, đồng thời tiến hành thu mua hạt ca cao của nông dân các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Bến Tre, Vũng Tàu, Đắk Lắk. Từ đây, những sản phẩm sô cô la thủ công “made in Vietnam” mang thương hiệu Hallelu đã ra đời, khẳng định sự tự chủ của người Việt từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến công nghệ sản xuất. Những thành công của Hallelu trong 7 năm hoạt động trên thị trường sô cô la đã giúp Nguyễn Hồng Huy được biết đến như kỹ sư đầu tiên tại Việt Nam chế tạo thành công máy gia nhiệt sô-cô-la, dòng sản phẩm trước đây vẫn phải nhập khẩu… Với chất lượng tương tương hàng nhập khẩu, nhưng giá chỉ bằng một nửa, các loại máy do Huy chế tạo đã nhận được nhiều đơn hàng trong nước, bước đầu xuất khẩu đến một số thị trường như Ấn Độ, Thái Lan.

Những chia sẻ tâm huyết của Tổng giám đốc Bùi Thế Long về sự thành công của Khu công nghiệp Liên Hà Thái trong năm 2023

vbf-202131123625g30.jpg

Tổng giám đốc Công ty CP Green i-Park Bùi Thế Long đã có những chia sẻ về những kế hoạch phát triển tỉnh Thái Bình trong thời điểm bước sang năm mới 2024. Theo đó, chủ đầu tư Khu công nghiệp Liên Hà Thái tại Khu kinh tế Thái Bình cho biết, nguyên nhân khiến GiP đầu tư vào tỉnh Thái Bình là vì Thái Bình chưa được tập đoàn lớn nào biết và tới đầu tư, do hệ thống giao thông yếu. Trong khi đó, một số tỉnh ở miền Bắc đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Panasonic, Canon, Toyota, Foxconn… Vì thế, sau khi Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung với những cơ chế ưu đãi hấp dẫn, Ban lãnh đạo GiP đã quyết định đầu tư phát triển tiềm năng công nghiệp của tỉnh Thái Bình. Bên cạnh đó, GiP đã nhận được lời mời gọi đầu tư nhiệt tình từ lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng như sự ủng hộ rất cao của cộng đồng dân cư, Tổng giám đốc Bùi Thế Long nhận xét đây là những điều kiện rất lớn để thúc đẩy triển khai các dự án của GiP tại đây.

Tổng giám đốc Bùi Thế Long còn cho biết thêm, ngay từ khi nhận chủ trương đầu tư, GiP đã ký được hợp đồng nguyên tắc với 2 nhà đầu tư, 1 dự án sản xuất ram kết nối trong máy tính (tổng vốn đầu tư 120 triệu USD) và 1 dự án sản xuất máy làm vườn thông minh (tổng vốn đầu tư 200 triệu USD). Đây là động lực rất lớn để GiP xây dựng kế hoạch triển khai đồng loạt các công đoạn của Dự án, từ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Thái Bình và các bộ, ngành trung ương, GiP đã xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư một cách có chiều sâu. Các chuyến công tác tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mang lại kết quả tích cực, thu hút những tên tuổi lớn như Compal, Pegatron, Lotes, Ohsung, HiteJinro, Greenworks, với suất đầu tư cao trên 100 triệu USD/dự án. Từ sự thành công trên đã cho thấy,lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã đúng khi lựa chọn GiP “xông đất” Khu kinh tế Thái Bình và giao cho Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Đó cũng là niềm vui của GiP khi đã khơi luồng dòng đầu tư, mang lại một triển vọng tươi sáng cho Khu kinh tế Thái Bình và cho địa phương.

Hành trình xuất khẩu máy bay không người lái sang Mỹ của doanh nhân Lương Việt Quốc

luong-viet-quoc-1024x643.jpg

Xuất thân trong một gia đình có 9 anh chị em, cùng sống dưới mái chòi rách chỉ rộng vỏn vẹn 10m2 nằm trên nhánh rạch của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TS. Lương Việt Quốc - nhà sáng lập Realtime Robotics Inc, đặt trụ sở tại San Francisco (Bay Area, Mỹ), đã trải qua một tuổi thơ vô cùng khó nhọc phải móc giun chỉ dưới lòng kênh để bán cho các tiệm nuôi cá cảnh. Tuy nhiên, để tạo dựng thành công cho bản thân hôm nay, TS. Lương Quốc Việt đã không ngừng trao dồi học vấn. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, Lương Việt Quốc không đỗ đại học. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn tại trường Trung học Tài chính TP.HCM, rồi học tiếp lên hệ đại học tại chức. Sau khi trúng tuyển học bổng Fulbright và hoàn thành bậc học Thạc sĩ tại Mỹ, ông tiếp tục được tám trường đại học tổ chức hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ, gồm Đại học Cornell, Berkeley, US Davis, Maryland, Wisconsin, Purdue, Minnesota, East - West Center.

Sau khi lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học California, Berkeley, ông dành thời gian sống và làm việc tại Silicon Valley. Đến năm 2014, Lương Việt Quốc thành lập Realtime Robotics Inc, đặt trụ sở tại San Francisco (Bay Area, Mỹ). Ba năm sau đó, ông trở về Việt Nam để xây dựng đội ngũ kỹ sư 100% người Việt, cũng là người Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất drone. Tên tuổi của Realtime Robotics Inc bắt đầu được biết đến nhiều hơn sau khi ra mắt chiếc drone có tên Hera. Đến tháng 9/2022, Realtime Robotics Inc thành côngxuất khẩu lô hàng đầu tiên cho RMUS - một nhà phân phối drone chuyên nghiệp của Mỹ, gồm 10 sản phẩm (hệ thống) với giá 58.000 USD/chiếc, trong khi các sản phẩm cùng loại đang có giá khoảng 30.000 USD/chiếc. Ngoài Hera, TS. Lương Việt Quốc cùng đội ngũ đã và đang phát triển các dòng drone tối ưu cho nông nghiệp Việt Nam, giúp phát hiện sâu, bệnh, hỗ trợ phun thuốc, bổ sung dinh dưỡng cây trồng.

Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng được xếp hạng 500 tỷ phú của Bloomberg Billionaire Index

a030a6ab-0dc5-488b-9d73-309c7f7dffa2-1704341089.png

Ngày 3/1/2024, Bloomberg Billionaire Index đã công bố bảng xếp hạng 500 tỷ phú, Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup là người Việt Nam duy nhất trong bảng xếp hạng ở vị trí thứ 257 với khối tài sản 9,11 tỷ USD, theo ước tính của Bloomberg Billionaire Index. Bloomberg Billionaire Index cũng cho biết tài sản của ông Phạm Nhật Vượng phần lớn đến từ cổ phần của vị doanh nhân này tại hai công ty niêm yết là Vingroup (VIC) và VinFast (VFS). Ông Vượng đang kiểm soát phần lớn cổ phần VinFast - công ty đã được niêm yết trên Nasdaq thông qua SPAC vào tháng 8/2023. Theo tính toán, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 45% cổ phần VinFast trong thống kê tính đến tháng 12/2023, giúp ông tăng thêm khoảng 7 tỷ USD giá trị tài sản. Số cổ phiếu ông kiểm soát VinFast thông qua Vingroup được loại trừ để tránh tính hai lần.

Thời điểm VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ, khối tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng mạnh, có thời điểm, giá trị tài sản của người giàu nhất Việt Nam vượt qua 40 tỷ USD, đưa ông lọt top 30 người giàu nhất hành tinh và xếp thứ 5 châu Á. Tuy nhiên, các bên đã thay đổi cách tính toán sau đó và giữ nguyên cho đến hết năm 2023. Bên cạnh VinFast, Bloomberg còn cho biết ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu 61% cổ phần của Vingroup, công ty hoạt động trải rộng trên lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, giáo dục... Vị tỷ phú ngoài việc nắm giữ trực tiếp cổ phiếu VIC thì còn sở hữu thông qua các công ty riêng của mình như CTCP tập đoàn Đầu tư Việt Nam, VMI, GSM... Ngoài ra, cổ phiếu do vợ ông Vương là bà Phạm Thu Hương nắm giữ cũng được ghi nhận là của ông để phản ánh tư cách vị tỷ phú này là người sáng lập.

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển và chiến lược phát triển bền vững

emagazine-k-nie.m-30-nm-tt-22.png

Tập đoàn T&T Group vừa tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập (1993-2023). Trong hành trình phát triển mạnh mẽ đó của T&T, dấu ấn của người sáng lập tập đoàn - ông Đỗ Quang Hiển với những tư duy chiến lược bền vững, tạo đà cho sự phát triển cùng Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh được ghi nhận sâu sắc. Được biết, để có được sự thành công cho T&T là phải nói đến công lao, tâm huyết của Doanh nhân Đỗ Quang Hiển với việc nắm bắt tốt cơ hội, sự quyết tâm cao nhất, thậm chí là “lao tâm khổ tứ” để thực hiện tốt nhất chiến lược của tập đoàn T&T trong việc mở rộng đầu tư, tham gia vào lĩnh vực tài chính vào năm 2005, bằng cách trở thành cổ đông lớn của ngân hàng nông thôn Nhơn Ái – tiền thân của SHB ngày nay. Đây được xem là một thành công điển hình của Việt Nam khi các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Và với chiến lược phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, SHB đã luôn tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động của mình.

Đến nay, khi vươn mình trở thành một Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, T&T Group vẫn kiên định con đường gắn lợi ích của doanh nghiệp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, sự giàu mạnh của đất nước. Vốn điều lệ của Tập đoàn hiện đạt 22.000 tỷ đồng, hệ thống trên 200 đơn vị thành viên, 80.000 cán bộ nhân viên hoạt động ở trong nước và nước ngoài, hàng trăm ngàn cổ đông và hàng triệu khách hàng. Và để có được điều đó, dấu ấn lớn nhất chính là tư duy chiến lược “chuẩn bị kỹ, thực hiện nhanh” của doanh nhân Đỗ Quang Hiển. Bên cạnh đó, chia sẻ trách nhiệm xã hội, mỗi năm Tập đoàn T&T Group đã dành hàng trăm tỷ đồng để ủng hộ, giúp vơi bớt khó khăn cho người nghèo, đồng bào gặp thiên tai; hỗ trợ kinh phí lớn để xây dựng hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, người có công với cách mạng; xây dựng trường học, trao học bổng cho các em học sinh nghèo để gieo mầm, thắp sáng ước mơ cho thế hệ mai sau; phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng, tu bổ tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử trên khắp cả nước…

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Sài Gòn.



Bình luận - Thảo luận