Chuyên mục

Tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc: Nhiều cây là chưa đủ, phải có sự tính toán khoa học để đạt hiệu quả tối ưu

Tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc: Nhiều cây là chưa đủ, phải có sự tính toán khoa học để đạt hiệu quả tối ưu

Trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và đô thị hóa, không gian làm việc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.

Đồng thời, việc xây dựng một môi trường làm việc xanh, hiệu quả và sáng tạo cũng trở thành mục tiêu phấn đấu quan trọng của nhiều quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp.

Khái niệm "xanh" không còn xa lạ trên thế giới và tại Việt Nam. Đặc điểm "xanh" trong thiết kế không gian nội thất đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, không chỉ vì lợi ích sử dụng mà còn vì vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Các nhà nghiên cứu môi trường đã chỉ ra, trong vòng 5 năm trở lại đây, các công trình xây dựng đã tăng 20% hiệu ứng nhà kính và 23% khí thải ra môi trường. Còn tại Việt Nam, đến năm 2021, Việt Nam đứng 36/118 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là 1 trong những thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu, đáng báo động Hà Nội là thành phố đứng trong top 5.

Tại Cop26, lần đầu tiên Việt Nam đã cam kết giảm 30% khí thải meta vào năm 2030, đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Mới đây, tại Cop28, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, biến đổi khí hậu là vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu và là vấn đề của toàn dân.

Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực và hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu.

Thủ tướng mong muốn mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý, thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc, kết hợp với đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; hợp tác, đoàn kết quốc tế là quan trọng.

Thực tế, để công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn xanh, thích ứng với môi trường không phải là một nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên, nó yêu cầu một hệ thống và quy trình xác định nghiêm ngặt.

Chia sẻ tại toạ đàm “Tiếp cận tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo” do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức, Kiến trúc sư Hà Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiến Trúc - Nội Thất Nam Anh cho biết, công trình xanh là sự kết hợp giữa kiến trúc và áp dụng quá trình mang tính thân thiện với môi trường và tận dụng tối ưu tài nguyên trong suốt chu kì hoàn thành của tòa nhà từ lúc lên kế hoạch xây dựng, hoạt động, bảo trì, cải tạo và phá hủy.

z4979729415213-0c41012149c5d2e0faf948799491e01d-7612.jpg
Toạ đàm “Tiếp cận tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo”

Công trình xanh giúp giảm thiểu tác động xấu ra môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên giảm chất thải, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống bảo vệ sức khỏe người sử dụng, cải thiện năng suất làm việc của con người.

Để đạt được hiệu quả tối ưu từ công trình xanh mang lại, theo ông Hà Xuân Nam khi thiết kế không gian xanh cần tổ chức mặt bằng công năng khoa học. Cùng với đó, sản phẩm phải tối ưu hoá ánh sáng, thông gió tự nhiên, đưa cây xanh vào không gian làm việc và nên sử dụng đan xen của màu sắc và sáng tạo từ hình khối.

Về kỹ thuật, nhà thiết kế cần cải tạo hệ thống vi khí hậu bằng cách xử lý hệ thống điều hoà khí hậu. Ngoài ánh sáng tự nhiên, cũng cần sử dụng ánh sáng nhân tạo một cách khoa học và có sự tính toán từ các chuyên gia trong ngành.

“Thêm vào đó, quy trình quản lý công trình xanh cần có sự khoa học, dựa trên yếu tố tiết kiệm năng lượng, giảm tác động xấu tới môi trường và con người. Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta nên ứng dụng số hoá, công nghệ 4.0 vào hoạt động vận hành. Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp, người sử dụng sản phẩm xanh cần tiên phong xây dựng văn hoá xanh thành thói quen để nâng cao vấn đề thân thiện môi trường”, Kiến trúc sư Hà Xuân Nam bày tỏ.

Cũng tại toạ đàm, Kiến trúc sư Tim Middleton, Chuyên gia tư vấn thiết kế kiến trúc và bền vững môi trường tại Việt Nam, đồng sáng lập Worklounge 03 – Việt Nam cho biết, tại Việt Nam phần lớn dự án đạt chuẩn công trình xanh là xét bằng chứng chỉ LEED hoặc LOTUS.

Khi các dự án đạt chuẩn 2 chứng chỉ này chất lượng môi trường trong nhà tốt hơn, ít hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hơn và có sự giám sát CO2. Việc sử dụng các công trình đã đạt chuẩn xanh hoá, theo ước tính của ông Tim sẽ tiết kiệm khoảng 15% chi phí vận hành đối với những căn phòng thông thường.

Theo Tạp chí Thương gia.



Bình luận - Thảo luận