Chuyên mục

Thường trực Ban Bí thư: Cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy nên vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng?

Thường trực Ban Bí thư: Cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy nên vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng?

Ngày 10/1, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, năm 2023, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở trung ương.

Các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đáng chú ý, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022).

Báo cáo điểm danh các địa phương điển hình là TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Sơn La, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Gia Lai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Tuyên Quang...

Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện.

Nhắc lại phát biểu tại hội nghị ngành kiểm tra Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho biết, trong 83 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý, có 59 cán bộ vi phạm do các nhiệm kỳ trước đây, 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này.

Theo bà Trương Thị Mai, các nhiệm kỳ gần đây, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng.

“Thế nhưng tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm? Cán bộ chưa biết sợ hay là lòng tham không đáy, nên còn để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp? Có những vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả trung ương, cán bộ địa phương. Sự việc nào cơ bản cũng có móc nối giữa cán bộ nhà nước với thành phần thoái hóa, biến chất làm thiệt hại, thất thoát lớn tài sản nhà nước, nhân dân”, bà Mai nêu vấn đề.

Theo bà, trước đây, tất cả các vụ khiếu kiện phức tạp cơ bản liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, bây giờ không dừng lại ở đó mà đã lan rộng ra lĩnh vực đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm, y tế, giáo dục...

Do đó, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những vi phạm trong trong nhiệm kỳ này để có giải pháp khắc phục.

Đồng thời, quan tâm phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực vi phạm phổ biến thời gian qua; làm sao tạo khuôn khổ pháp lý, vạch "ranh giới đỏ" để cán bộ không bước qua; tạo khuôn khổ để cán bộ dám nghĩ, dám làm, không e ngại, sợ sệt.

Ngoài ra, từng cơ quan, tổ chức, địa phương cần chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu nói đi đôi với làm, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Theo Tạp chí Thương gia.



Bình luận - Thảo luận