TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính cho biết, nghề môi giới BĐS đang bước vào một giai đoạn thay đổi hoàn toàn, rõ rệt, khi Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cùng với đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, đã đặt ra yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, chuẩn hóa và chuyên nghiệp trong hành nghề môi giới BĐS tại Việt Nam.
“Trên thực tế, tại Việt Nam đang chứng kiến những điểm nghẽn đáng lo ngại trong quá trình triển khai các nghị định, thông tư. Hệ thống thi và cấp chứng chỉ được giao cho chính quyền các địa phương nhưng chưa có địa phương nào tổ chức khiến người hành nghề lúng túng, không biết học và thi ở đâu. Chưa kể, đến hiện tại hầu hết các địa phương đều đang “án binh bất động”, chưa có kế hoạch tổ chức thi, chưa có hướng dẫn thống nhất… gây ra tâm lý bất ổn, lo lắng của cộng đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản” - TS Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi hội thảo
Báo cáo về tình hình tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề Môi giới bất động sản tại Việt Nam, Chánh văn phòng Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Quỳnh cho biết, khi tiến hành khảo sát với gần 27.000 nhà môi giới BĐS, nhưng có tới 89% chưa có chứng chỉ hành nghề. Trong đó, 51,8% chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo; 24,1% đã qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ và 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực. Đây là một bức tranh đáng lo ngại về chứng chỉ hành nghề của lực lượng môi giới BĐS năm 2025, khi lực lượng môi giới đang thiếu hụt nghiêm trọng tính pháp lý hành nghề.
Việc chậm tổ chức kỳ thi sát hạch đã và đang tạo ra “khoảng trống” lớn trong quá trình triển khai quy định mới của Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. Điều này, không chỉ gây tâm lý hoang mang, chờ đợi và thụ động trong lực lượng môi giới BĐS mà còn làm chậm tiến trình chuẩn hóa đội ngũ hành nghề, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước và trật tự thị trường.
Tại hội thảo các chuyên gia đã chỉ ra điểm nghẽn trong công tác sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới BĐS chủ yếu đến từ sự chậm trễ trong việc hướng dẫn thực hiện ở cấp địa phương. Dù Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 đã quy định rõ trách nhiệm thuộc UBND tỉnh/TP, nhưng hiện tại đa số địa phương vẫn chưa có động thái triển khai cụ thể.
TS Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam nêu những khó khăn về pháp lý trong sát hạch chứng chỉ môi giới BĐS
“Thị trường đang tồn tại một nghịch lý là đội ngũ môi giới chưa được cấp chứng chỉ, doanh nghiệp chưa có nhân lực đạt chuẩn, nhưng lại không dễ dàng tổ chức thi. Nếu không sớm tháo gỡ, tình trạng bế tắc pháp lý sẽ kéo dài” - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam (VARS IRE) TS Trần Xuân Lượng chia sẻ.
Khép lại hội thảo, nhiều kiến nghị thiết thực đã được đưa ra nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Trong đó, các đại biểu thống nhất đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để UBND các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai kỳ thi theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh sự cần thiết cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức kỳ thi sát hạch; đồng thời đề xuất xây dựng hệ thống thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, nhằm giảm tải áp lực cho từng địa phương và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn hệ thống.
Thanh Tùng
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết